Phòng và chống bệnh do não mô cầu: Cấp thiết và được ưu tiên hàng đầu

Bệnh viêm màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Phương thức lây truyền của bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm, thường tản phát và có thể gây dịch. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được tiêm phòng, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

TS Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 phát biểu khai mạc hội thảo.

TS Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 phát biểu khai mạc hội thảo.

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế, tại hội thảo khoa học "Bệnh viêm màng não do não mô cầu và vắc xin phòng ngừa" diễn ra tại Hà Nội sáng 9/11.

TS Nguyễn Anh Tuấn cho hay, hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường kiến thức dịch tễ học bệnh viêm màng não do não mô cầu cũng như các giải pháp phòng bệnh, đặc biệt là phòng bệnh chủ động bằng vắc xin. Những nội dung được trao đổi tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Phòng và chống bệnh do não mô cầu đang là vấn đề cấp thiết, được ưu tiên hàng đầu trên thế giới và là vấn đề đáng quan tâm tại Việt Nam.

Hai chủng huyết thanh phổ biến đang lưu hành tại Việt Nam

Tại hội thảo, Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long, Viện Y học dự phòng Quân đội, chuyên gia có 16 năm nghiên cứu về não mô cầu đã có những chia sẻ tổng quan về bệnh do não mô cầu và vắc xin phòng bệnh.

Theo đó, bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis (Nm) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm, có khả năng gây dịch lớn với những diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,2 triệu ca mắc, trong đó khoảng 350.000 ca tử vong. Bệnh lý này đã từng gây ra hàng loạt đợt dịch lớn, đặc biệt là ở châu Phi trong suốt thế kỷ 20, và vẫn đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Năm 2021, WHO đã phát động Chiến dịch "Đánh bại viêm màng não vào năm 2030". Chiến dịch này hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh này trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia tiếp cận vắc xin một cách hiệu quả.

Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long, Viện Y học dự phòng Quân đội cùng Giáo sư Viện Finlay, Cuba.

Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long, Viện Y học dự phòng Quân đội cùng Giáo sư Viện Finlay, Cuba.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 1976 đến 1979 đã ghi nhận một đợt dịch lớn do não mô cầu gây ra tại nhiều tỉnh miền Nam, với số liệu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em là rất nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, tổng số ca mắc được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng là 1.510, tỷ lệ tử vong ở trẻ trên 5 tuổi dao động từ 27,4% đến 34,7%.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2011 đến 2012 có 610 ca mắc, trong đó có một đợt bùng phát nhỏ vào năm 2011 với 272 ca mắc. Theo Niên giám thống kê y tế năm 2018, tỉ lệ mắc bệnh/100.000 người tại Việt Nam khoảng 0,02.

ThS.BS Lưu Anh Chiến chia sẻ, tại Việt Nam, hiện tỷ lệ huyết thanh gây bệnh (gồm B và C) chiếm 92.3%.

Còn theo Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long, một nghiên cứu được thực hiện năm 2019 cũng cho thấy huyết thanh B đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 94% trong khi huyết thanh nhóm C chỉ chiếm 6%. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự chiếm ưu thế của huyết thanh B trong cộng đồng trẻ em.

Tại khu vực miền Bắc, nghiên cứu của Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long và đồng nghiệp năm 2014 cho thấy trong khoảng thời gian năm 2008-2014, có 29 ca mắc, chủ yếu do huyết thanh B (25 ca) với tỷ lệ tử vong là 17%. Điều này chứng tỏ sự lưu hành cao của huyết thanh B.

Còn tại khu vực miền Nam, nghiên cứu thực hiên năm 2021 cho thấy từ năm 2014 đến 2021, có 69 ca mắc, chủ yếu do nhóm B (91%). Tỷ lệ mắc/100.000 người trong toàn quân chiếm 1,91, với tỷ lệ cao nhất vào năm 2016. Điều này cho thấy huyết thanh B vẫn là nhóm huyết thanh quan trọng cần được ngăn chặn.

Vắc xin hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh

Theo Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long, để điều trị bệnh viêm não mô cầu, người dân cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, điều trị kháng sinh kèm điều trị theo triệu chứng và nâng cao thể trạng. Trong đó, kháng sinh được chỉ định sử dụng càng sớm càng tốt.

"Để phòng bệnh, người dân chú ý các biện pháp phòng bệnh lây qua đường hô hấp như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khử trùng… Tuy nhiên, các biện này chỉ là biện pháp hỗ trợ giảm nguy cơ lây nhiễm. Với những người tiếp xúc gần và nhóm nguy cơ cao cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh theo chỉ định", Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long cho hay.

Theo đó, để phòng bệnh, tiêm vắc xin chính là biện pháp hiệu quả nhất, căn bản và lâu dài.

Bệnh do Neisseria meningitidis (não mô cầu) có thể phòng ngừa bằng nhiều loại vắc xin khác nhau. Tại Việt Nam, với dịch tễ lưu hành chủ yếu 2 nhóm huyết thanh B và C, vắc xin VA-MENGOC-BC đang được sử dụng hiệu quả không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng vững mạnh.

Nghiên cứu "Hiệu quả của vắc xin VA-MENGOC-BC trong phòng ngừa bệnh não mô cầu tại Bệnh viện Nhi Đồng, TP Hồ Chí Minh" từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2018 trên 1.200 trẻ em từ 2 đến 12 tuổi được tiêm vắc xin VA-MENGOC-BC theo chương trình tiêm chủng mở rộng, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh do não mô cầu nhóm B và C giảm 80% so với mức trước khi tiêm chủng. Tỷ lệ tạo kháng thể đạt trên 95% trong nhóm nghiên cứu, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.

"Nghiên cứu tác động của vắc xin VA-MENGOC-BC đối với tỷ lệ mắc bệnh não mô cầu tại Việt Nam" được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc trong 6 tháng năm 2020 cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh não mô cầu đã giảm từ 35% xuống còn 10% trong số trẻ em được tiêm vắc xin. Số liệu cho thấy vắc xin có hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ nhiễm và tạo kháng thể.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Báo cáo kết quả triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin VA-MENGOC-BC cho trẻ em" của Bệnh viện Nhi Đồng, năm 2018 thực hiện trên 800 trẻ em từ 1 đến 5 tuổi. Kết quả cho thấy sau khi tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc bệnh do não mô cầu giảm khoảng 75%. Hơn 85% trẻ em đạt nồng độ kháng thể bảo vệ sau tiêm.

VA-MENGOC-BC được phát triển bởi Viện Finlay, Cuba, lần đầu tiên được cấp phép vào năm 1985, hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại các chủng vi khuẩn não mô cầu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Các nghiên cứu về độ an toàn đã được thực hiện tại Cuba và các quốc gia khác, cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận. Hiện Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 là đơn vị duy nhất cung cấp vắc xin này tại Việt Nam.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với sự lưu hành mạnh mẽ của các nhóm huyết thanh B và C, việc sử dụng vắc xin VA-MENGOC-BC là hợp lý và kịp thời, đáp ứng được nhu cầu cần thiết trong phòng bệnh. Nó không chỉ bổ sung vào danh mục vắc xin phòng ngừa hiện có mà còn là một lựa chọn đáng tin cậy đối với các đối tượng có nguy cơ cao, như trẻ em và thanh thiếu niên", Thượng tá - ThS.BS Triệu Phi Long nhấn mạnh.

Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-va-chong-benh-do-nao-mo-cau-cap-thiet-va-duoc-uu-tien-hang-dau-169241110120818085.htm