Phòng và điều trị bệnh bạch hầu: Tỷ lệ tử vong cao

Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, những đối tượng thuộc mọi lứa tuổi nếu chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin đều có thể mắc bệnh.

Trẻ cần được khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu có thể xảy ra. Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Trẻ cần được khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu có thể xảy ra. Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Do tác nhân gây ra bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao lên đến 20%, trong đó, người càng trẻ thì tỉ lệ càng tăng.

Phân loại bạch hầu

ThS.BS Nguyễn Thu Hà - Trung tâm Tiêm chủng Hà Nội cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính, với các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu.

Việt Nam đang triển khai tiêm 5 liều vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Lịch tiêm này phù hợp khuyến cáo của WHO để tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em trong các độ tuổi quan trọng. Tuy nhiên người dân không tự ý tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế.

“Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp. Người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,… giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu hòa vào không khí.

Người khỏe mạnh hít phải sẽ nhiễm bệnh nếu chưa có miễn dịch chống lại. Ngoài ra, bạch hầu còn lây gián tiếp khi người khỏe tiếp xúc với các đồ vật có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 - 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu”, bác sĩ Hà thông tin.

Ở nước ta, nhờ thực hiện tốt việc đưa vắc-xin bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em nên tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Trẻ em < 5 tuổi, người lớn > 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đều là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Có 2 loại thường gặp là bạch hầu cổ điển và bạch hầu ngoài da. Bạch hầu cổ điển là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hô hấp trên bao gồm mũi, cổ họng, amidan và thanh quản. Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong cơ thể người bệnh.

Bạch hầu họng, mũi làm người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau cổ họng bởi giả mạc dày và dai trắng ngà, bám chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng vòm họng.

Trong một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng khiến người bệnh xuất hiện các hạch cổ và sưng nề vùng dưới hàm. Trường hợp nhiễm độc nặng hơn người bệnh sẽ tái mặt, mạch nhanh dần dần đờ đẫn, hôn mê, nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong nhanh chỉ trong vòng 6 - 10 ngày.

Bạch hầu thanh quản xuất hiện với các giả mạc tại thanh quản hoặc từ vòm họng lan xuống dưới. Bệnh tiến triển tranh và đặc biệt nguy hiểm, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, giả mạc này có thể phát triển làm tắc đường thở khiến người bệnh suy hô hấp và rơi vào tử vong nhanh chóng.

Bệnh bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp) thường xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, thường từ 3 - 7 ngày kể từ khi khởi phát. Người bệnh sốt cao từ 39 - 40 độ C vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc nặng, giả mạc trắng ngà lan rộng, hạch cổ sưng to làm biến dạng cổ dẫn đến hình cổ bạnh.

Bạch hầu ngoài da là loại hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết loét hoặc mụn nước ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Bệnh bạch hầu da phổ biến hơn ở các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.

 Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh minh họa có tính chất cảnh báo: ITN

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh minh họa có tính chất cảnh báo: ITN

Các biến chứng nguy hiểm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chứng của bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh, chỉ trong 6 - 10 ngày.

Bác sĩ Lê Thị Phương - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng, đau họng, tổn thương thanh quản. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp giả mạc màu trắng ngà do các mô tế bào bị viêm tạo ra lớp màng giả mạc bám chặt vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, mảng giả mạc này sẽ phát triển và lan rộng lấp đường hô hấp gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.

Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh. Ngoại độc tố bạch hầu tiết ra làm ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim.

Bên cạnh đó, độc tố bạch hầu rất mạnh, chúng còn làm tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt. Biến chứng này có thể xảy ra khoảng vài tuần sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh bạch hầu.

Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh. Đây cũng là một trong những biến chứng khác có thể gặp khi mắc bạch hầu. Đặc biệt, khi dây thần kinh ở bàng quang bị tổn thương, khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt,…

Các vấn đề liên quan đến kiểm soát bàng quang thường phát triển trước khi cơ hoành bị tê liệt. Đây cũng có thể được xem là dấu hiệu cảnh báo sớm người bệnh có nguy cơ cao gặp các vấn đề nghiêm trọng về hệ hô hấp.

Chuyên gia nhấn mạnh, cơ hoành có chức năng rất quan trọng trong hệ hô hấp giúp duy trì sự sống. Tuy nhiên, với những người mắc bạch hầu, cơ hoành bị tê liệt một cách đột ngột với thời gian kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Biến chứng này thường xuất hiện vài tuần sau khi có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, ngay cả khi người bệnh đã phục hồi sau nhiễm trùng ban đầu hoặc xuất hiện sau các biến chứng nhiễm trùng phổi, viêm cơ tim,…

Nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi) có thể xảy ra vào tuần thứ 5 của bệnh dẫn đến liệt chi, liệt cơ hoành và các dây thần kinh vận nhãn. Điều này khiến người bệnh gặp phải các biểu hiện khó thở, ngạt thở thường xuyên hơn, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi (viêm phổi hoặc suy hô hấp). Và bạch hầu rất nguy hiểm, ngay cả khi được điều trị kịp thời, vẫn có khoảng 1/10 số người bệnh tử vong vì căn bệnh này.

Việt Nam chưa có vắc-xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc-xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.

Phụ huynh cần cho con tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Thực hiện các mũi tiêm nhắc khi trẻ 16 - 18 tháng tuổi; 4 - 7 tuổi; 9 - 15 tuổi vì khả năng bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian.

Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Người dân cũng cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

“Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc-xin đủ liều, đúng lịch. Người bệnh cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc hiện đại để nhanh phục hồi và giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, BS Lê Thị Phương lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện nêu: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được phòng bằng vắc-xin, điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có trường hợp tử vong. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn: Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc-xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người bệnh; Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; tổ chức theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phong-va-dieu-tri-benh-bach-hau-ty-le-tu-vong-cao-post693213.html