Phòng và xử trí hiệu quả các bệnh thời đại
Tọa đàm kết hợp tư vấn sức khỏe trực tuyến do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 29-11 có sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên gia ung thư, tim mạch, thần kinh, truyền nhiễm, tâm lý... đã thảo luận sâu sắc các vấn đề của những căn bệnh thời đại và giải đáp hàng trăm câu hỏi của bạn đọc
Chương trình nhận được sự đồng hành của Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ và Bệnh viện Quốc tế DNA.
Điểm mặt "hung thần" sức khỏe
Trước quan điểm về việc lối sống, môi trường là một trong những yếu tố khiến tình trạng mắc bệnh không lây gia tăng, TS-BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở nước ta.
"Ung thư là một trong những bệnh không lây và có tỉ lệ tử vong đứng thứ 2 sau tim mạch. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, do đó chúng ta cần có những biện pháp cũng như truyền thông để kịp thời điều trị và phòng tránh" - bác sĩ Tuấn Anh cho biết.
Đề cập bệnh truyền nhiễm, ThS-BS Đỗ Cao Vân Anh, nguyên Phó trưởng Bộ môn Nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho hay có tam giác quen thuộc: Ký chủ - môi trường - tác nhân gây bệnh. Trong bệnh truyền nhiễm, nếu mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… thì miễn dịch sẽ thay đổi và trở thành đối tượng cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Giảm cân, chống một loạt bệnh "thời đại" nhờ... ăn vặt kiểu này
“Bệnh thời đại” ngày càng nhiều ở người trẻ
Sự thay đổi môi trường cực đoan cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, bao gồm sự gia tăng bệnh lây truyền từ động vật. Điều này tạo nên áp lực cho việc phát triển vắc-xin và thuốc điều trị theo kịp sự phát triển của mô hình bệnh truyền nhiễm, bao gồm nguy cơ về các bệnh đang trỗi dậy.
Theo TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Quân y 175, trên thế giới hằng năm có khoảng 15 - 17 triệu người bị đột quỵ. Đột quỵ từ nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 thì nay đã vượt qua ung thư, lên vị trí thứ 2. Trong đó, tàn phế sau đột quỵ vẫn dẫn đầu là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một trong những nguyên nhân gây gia tăng đột quỵ đến từ môi trường và lối sống không lành mạnh. Cách đây trên 10 năm, tỉ lệ người trẻ đột quỵ chỉ 7% - 8% thì nay con số này đã tăng lên 15% - 20%.
TS-BS Lưu Văn Minh, Trưởng Khoa Nội - Ung bướu Bệnh viện Quốc tế DNA, nhấn mạnh có 5 loại ung thư phổ biến đối với nam giới gồm: phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến; cùng với đó là 5 loại ung thư thường gặp ở nữ: ung thư vú, gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày. Thống kê năm 2020, Việt Nam có 97 triệu dân, 182.000 ca ung thư mắc mới, đó là con số "lo mà không sợ".
Theo bác sĩ Minh, số liệu 182.000 ca ung thư không có nghĩa là người Việt Nam bị ung thư nhiều lên. Con số đó không chỉ do sự phát triển của dân số mà còn do sự phát triển của lĩnh vực điều trị ung bướu theo định hướng của Bộ Y tế, giúp phát hiện nhiều hơn các ca bệnh. Thời điểm hiện tại, tuổi thọ trung bình tăng lên cao, kéo theo tỉ lệ thuận với số ca ung thư được phát hiện.
Nhấn mạnh về bệnh tim mạch, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đức Đạt, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Nhân dân 115, thông tin hiện nay cứ 4 người thì có 1 người bị cao huyết áp - phản ánh một phần tỉ lệ người mắc bệnh tim mạch trong xã hội. Trong điều trị bệnh tim mạch, ngoài việc phát hiện sớm thì đối với ngành y tế còn là thái độ điều trị phù hợp để bệnh nhân phối hợp, đạt được mục tiêu điều trị, đưa ra kết quả tốt.
Ở các nước, vấn đề tim mạch luôn ưu tiên phòng ngừa là chính, bên cạnh việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời để không để lại di chứng. "Vì vậy, về phía người dân, cần có thái độ phòng ngừa trước: chế độ ăn, tập luyện, tầm soát để phát hiện sớm… nhằm tránh những hậu quả về sau" - bác sĩ Đạt khuyến cáo.
Có thể nói một thứ bệnh thời đại hiện nay cộng đồng đang đối mặt và có chiều hướng gia tăng nhưng ít người để ý là "sát thủ" tâm bệnh, sức khỏe tâm thần bị tổn thương kéo theo hệ lụy khôn lường. TS Lê Minh Thuận, Trưởng Khoa Tâm thể - Bệnh viện TP Thủ Đức, cảnh báo Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra rằng sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng. Theo thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp chiếm tới 14,9% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người. Đáng chú ý, đối với trẻ em, có hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Phòng ngừa, tầm soát hiệu quả
Các chuyên gia cảnh báo xã hội ngày càng hiện đại, cuộc sống con người càng được thoải mái và đầy đủ thì lại có nhiều nguy cơ đối diện với bệnh tật. Nếu như trước kia, nhiều người thường nói "60 năm cuộc đời" thì tuổi thọ con người ngày nay có thể lên đến 100, thậm chí cao hơn. Nhưng thực tế đời sống ngày nay, cộng đồng đang đối diện những tác hại xấu đối với sức khỏe. Để giảm gánh nặng y tế thì phòng ngừa sẽ giúp chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Theo TS-BS Lê Tuấn Anh, nhiều người hiện chỉ đến bệnh viện khi có triệu chứng lâm sàng, điều đó là hơi muộn. "Chúng ta nên có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe. Ngoài ra, với bệnh ung thư, cần đẩy mạnh các chương trình tầm soát sớm, phòng ngừa các nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ chủng ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B từ khi mới chào đời sẽ dần giúp giảm tỉ lệ ung thư gan. Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ giúp đẩy lùi nhiều loại ung thư như ung thư phổi, bàng quang, ung thư tụy… và cả bệnh tim mạch" - bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Một điểm lưu ý nữa là sau phòng ngừa, vấn đề xây dựng mô thức chẩn đoán, điều trị, phối hợp đa chuyên khoa để có thể đưa đến kết quả điều trị toàn diện hơn cho bệnh nhân, bao gồm vấn đề phục hồi sau bệnh. Điều này cũng đòi hỏi nâng tầm cách thức đào tạo nhân viên y tế và tổ chức hệ thống y tế.
TS-BS Lưu Văn Minh cho biết trước đây, tại Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao nhất, tuy nhiên con số này đã được kéo giảm rõ rệt nhờ phát hiện, điều trị sớm. Thậm chí, phòng ngừa khi chưa có bệnh là các bé gái được tiêm ngừa vắc-xin. "Với bệnh ung thư, hiện nay chúng ta điều trị kết quả rất tốt. Điều đáng lo là bệnh nhân thường đến bệnh viện ở giai đoạn trễ. Điều này có thể được giải quyết bởi công tác truyền thông, kết nối ngành y với người dân, đồng thời là vai trò của các cơ quan bảo hiểm để người dân mạnh dạn tiếp cận điều trị" - bác sĩ Minh thông tin.
ThS-BS Đỗ Cao Vân Anh cho biết với bệnh truyền nhiễm, để phòng ngừa - chăm sóc sức khỏe toàn diện cần chú ý việc sử dụng kháng sinh. "Chúng ta đang sử dụng bừa bãi kháng sinh. Hệ quả là xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh và đa kháng kháng sinh. Điều quan ngại là chủng vi khuẩn xuất hiện từ cộng đồng. Ví dụ viêm phổi xuất hiện ở cộng đồng gặp vi khuẩn đa kháng kháng sinh khiến việc điều trị rất khó khăn. Do đó, mọi người cần phải có chiến lược sử dụng kháng sinh thích hợp" - bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.
Để phòng ngừa từ khi chưa có bệnh, bác sĩ Vân Anh cho rằng có thể tiêm ngừa trọn đời theo từng đối tượng khác nhau - từ trẻ nhỏ cho đến các đối tượng như thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính…
Theo TS-BS Tạ Vương Khoa, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là người dân có kiến thức để phòng tránh đột quỵ tốt, giảm được nguy cơ phải đến bệnh viện. Khoảng 80% - 90% nguyên nhân gây đột quỵ có thể phòng tránh được cũng như phát hiện sớm để có kết quả điều trị tốt hơn. Các nguyên nhân có thể kiểm soát đó bao gồm bệnh lý cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, stress, hút thuốc lá, béo phì… Vì vậy, nếu người dân có kiến thức tốt và có ý thức quan tâm đến sức khỏe bản thân, tuân thủ khuyến cáo của thầy thuốc thì hoàn toàn có thể phòng ngừa, kiểm soát các hậu quả do đột quỵ.
Ngoài ra, vai trò của chiến lược tầm soát hiệu quả cũng rất quan trọng và điều này liên quan mật thiết với việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, bên cạnh vai trò của các chương trình truyền thông về đột quỵ.
"Thách thức lớn nhất trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay bao gồm yếu tố người bệnh và vai trò của bảo hiểm. Bệnh nhân tuân thủ điều trị ra sao, duy trì lối sống lành mạnh như thế nào? Chúng ta đã đi đúng hướng trong việc tiến tới bảo hiểm toàn dân. Bên cạnh đó là sự phong phú của các sản phẩm bảo hiểm khác để hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn, tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận các kỹ thuật cao hơn" - bác sĩ Phạm Đức Đạt nhấn mạnh.
Bảo hiểm cho bệnh nhân ung thư, đột quỵ
Liên quan việc bảo hiểm cho bệnh nhân ung thư và đột quỵ, ông Nguyễn Minh Vương, Giám đốc Công ty Bảo Việt Nhân thọ Sài Gòn, cho hay đơn vị có sản phẩm Life Care chỉ với 140.000 đồng/năm nhưng quyền lợi bảo vệ lại rất cao cho người dân tham gia.
Cụ thể, với bệnh ung thư ngay giai đoạn đầu đã chi trả 20%, số tiền bảo hiểm lên tới 100 triệu đồng. Ở giai đoạn sau chi trả 100%, số tiền bảo hiểm lên tới 500 triệu đồng. Đặc biệt, có hỗ trợ 2% số tiền bảo hiểm khi thực hiện tầm soát ung thư cho người thân (trường hợp người được bảo hiểm bị ung thư). Với bệnh đột quỵ chi trả 100%, số tiền bảo hiểm lên tới 500 triệu đồng. Sản phẩm này mua hằng năm hoặc mua được một lần cho nhiều năm. Công ty sẽ hoàn 20% phí đóng, áp dụng cho trường hợp khách hàng mua 10 năm, đóng phí một lần và không có yêu cầu giải quyết quyền lợi nào.
Hàng trăm người được chuyên gia chỉ cách phòng ngừa
Chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Đối mặt với những căn bệnh thời đại" đã thu hút hàng trăm bạn đọc quan tâm gửi về đề cập những vấn đề ung thư, tim mạch, đột quỵ, bệnh truyền nhiễm cũng như tâm lý… Các chuyên gia đã tư vấn cụ thể, rõ ràng. Về chế độ ăn uống cho người ung thư, người bệnh nên ăn uống đầy đủ chất đạm, đường, lipid, vitamin, chất khoáng... để bảo đảm sức khỏe và tăng cường hệ thống miễn dịch để chống ung thư. Riêng với các loại thực phẩm bổ sung sẽ được chỉ định tùy tình huống cụ thể và không nên lạm dụng. Về việc phát hiện sớm ung thư, cần tầm soát theo tuổi và yếu tố nguy cơ. Trong đó, một số triệu chứng báo động được Tổ chức Y tế thế giới lưu ý như vết loét lâu lành, chảy máu bất thường, ho khàn tiếng kéo dài, rối loạn thói quen đi cầu...
Đối với bệnh huyết áp khi điều trị sẽ có 2 phương pháp, gồm không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc. Trong đó, điều trị không dùng thuốc thì cần cải thiện lối sống, ăn nhạt, không hút thuốc lá, tập thể dục. Hai phương án này phải đạt được huyết áp mục tiêu điều trị. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng tư vấn cách nhận biết để phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Bởi đây là 2 bệnh lý khác nhau khiến nhiều người nhầm lẫn. Đối với đột quỵ, đây là bệnh lý của mạch máu não (tai biến mạch máu não), còn nhồi máu cơ tim là bệnh lý của mạch vành. Khi xuất hiện 2 bệnh này, các bác sĩ nhấn mạnh việc sơ cứu không khác biệt nhưng cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không tự áp dụng các biện pháp sơ cứu phản khoa học như cạo gió, cắt lể, uống nước chanh...
Một số bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin như: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, viêm gan siêu vi A-B, viêm màng não do Hib, màng não mô cầu, viêm não Nhật Bản, phế cầu, HPV, quai bị, Rubella, thủy đậu, Rotavirus, dại, sốt bại liệt, cúm, thương hàn, COVID-19, sốt vàng, bệnh zona... Việc tiêm chủng giúp tạo ra miễn dịch chủ động để phòng ngừa và giảm các biến chứng nguy hiểm hoặc di chứng nếu không may mắc bệnh. Ngoài ra, tiêm chủng còn có thể gián tiếp ngừa một số bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư cổ tử cung... Đối với các bệnh hô hấp tăng trong thời gian gần đây ở trẻ cần theo dõi các dấu hiệu như sốt, ho, thở khò khè, ăn uống kém... nên đưa đi khám bệnh sớm. Lưu ý, nếu trong gia đình có người cao tuổi, nên hạn chế tiếp xúc với trẻ đang bệnh và ngược lại. Đồng thời, chú trọng về sức khỏe tâm thần, tránh stress, lo âu, căng thẳng…
Liên Anh
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH