Phỏng vấn một cánh cửa

PV: Thưa anh, cửa sinh ra để làm gì ạ?

Cửa: Đơn giản lắm: Cửa tạo ra không gian riêng tư cho một căn nhà.

PV: A, nhà. Đó là một vấn đề vô cùng lớn, nếu không nói là lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

Minh họa: Lê Tâm

Minh họa: Lê Tâm

Cửa: Đặc biệt là người nghèo.

PV: Ý anh là sao?

Cửa: Ý tôi là càng nghèo, giấc mơ nhà càng trở nên cháy bỏng và cảm thấy xa vời.

PV: Hoàn toàn đồng ý. Và có phải vì như thế, thưa anh, mà chương trình nhà ở cho người nghèo, hay chúng ta gọi là nhà ở xã hội, luôn luôn trở thành mối quan tâm lớn của Chính phủ.

Cửa: Rõ ràng như thế. Rất nhiều lần việc xây nhà cho công nhân được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại và lưu ý đặc biệt trên các diễn đàn.

PV: Và vô số doanh nghiệp, vô số địa phương đã làm tốt chuyện này.

Cửa: Đúng. Thành tích đó không thể phủ nhận.

PV: Nhưng thưa anh, tại sao ở nhiều nơi, ví dụ như Hà Nội, vẫn có cả ngàn căn nhà xã hội xây xong bị bỏ hoang. Quả là một điều kỳ lạ.

Cửa: Có gì kỳ lạ đâu. Chẳng qua các doanh nghiệp xây dựng đó khi làm dự án đã không nắm bắt, không hiểu rõ nhu cầu và cảm xúc của công nhân.

PV: Như thế nào ạ?

Cửa: Đối với người thu nhập thấp, căn nhà không đơn giản là một nơi ở, nó còn phải gắn kết với bao nhiêu tiện ích mà với người lao động rất đặc trưng thiết yếu.

PV: Tôi cũng đoán thế.

Cửa: Đoán là một chuyện, hiểu rõ là một chuyện khác. Đầu tiên, công nhân cần chỗ ở sát với chỗ làm việc, vì họ thiếu phương tiện di chuyển hoặc có nhưng phương tiện cũ kỹ và thô sơ. Nhà mà ở quá xa nhà máy là thua.

PV: Chính xác. Các chủ phòng trọ bình dân hiểu rõ điều này, nên luôn luôn xây nhà sát các khu công nghiệp. Trong khi không ít khu nhà ở xã hội xây theo đất được giao. Chẳng dính dáng gì tới nơi công nhân hành nghề.

Cửa: Tiếp theo, công nhân lao động thu nhập không cao, nên nhà phải gần chợ, mà phải là chợ bình dân chứ không nên trung tâm thương mại.

PV: Đồng ý. Thậm chí họ có thói quen đi làm xong tạt qua chợ đầu đường mua vội vã thức ăn, họ đâu có tiền và đâu có tủ lạnh lớn để trữ thực phẩm. Nên nhà xây xa chợ cũng thua.

Cửa: Tiếp theo nữa, công nhân chẳng còn thời giờ khi nhà máy luôn luôn muốn tăng ca. Cho nên con cái họ phải được học gần nơi ở.

PV: Ừ. Vì cha mẹ lấy đâu ra thời gian đưa đón.

Cửa: Vậy mà đa số nhà xã hội bỏ hoang, khi xây chả hề chú ý tới trường. Trường cho trẻ con hoặc không có hoặc có thì xa vài cây số. Trẻ em khu lao động đi tới cách nào?

PV: Vâng.

Cửa: Đó là chưa kể bao nhiêu thứ khó khăn phát sinh mà công nhân không quen giải quyết: Nào trục trặc thang máy, nào nước yếu, nào hệ thống vệ sinh. Những thứ ấy khi ở trọ đã có chủ nhà lo, còn bây giờ phải chờ… Ban quản lý !

PV: Mà như chúng ta đã biết, các ban quản lý chung cư xã hội nhiều khi kém khả năng.

Cửa: Do đó, có thể kết luận như sau: Không ai cần nhà ở, khao khát nhà ở hơn người lao động. Nhưng cũng chính họ, bằng kinh nghiệm sống vất vả của mình, hiểu rõ một căn nhà phải như thế nào mới dám dọn đến.

PV: Vì thế, nếu hàng chục ngàn căn nhà cho người thu nhập thấp bị ế, không phải lỗi do công nhân mà do khi xây người ta không tính toán kỹ và hiểu kỹ con người.

Cửa: Đúng vậy. Một số doanh nghiệp đã tính toán đơn giản: Xây nhà cho người nghèo chỉ cần rẻ là xong! Và như thế đã phạm sai lầm rất lớn khi tư duy đơn giản kiểu này.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-mot-canh-cua-i737491/