Phòng vệ thương mại có theo kịp thị trường?
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng theo hàng năm, kéo theo đó là đà tăng của các vụ kiện phòng vệ thương mại từ quốc gia khác và các vụ khởi kiện của các nhà sản xuất trong nước.
Kháng kiện thành công gần 50% vụ việc
Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước thì việc Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang đến khá nhiều rủi ro trong quá trình xuất khẩu (XK) hàng hóa.
Mới đây nhất, Liên minh kinh tế Á Âu đã đưa ra cảnh báo về một số mặt hàng dệt may của Việt Nam đã vượt quá quy định số lượng nhập khẩu (NK) vào khu vực này, đứng trước nguy cơ có thể bị áp dụng các biện pháp PVTM.
Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng XK quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ...
Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), đơn vị này đã liên tiếp cập nhật các mặt hàng nằm trong “nhóm nguy cơ” để DN Việt Nam chuẩn bị các phương án, nhằm tránh tối đa việc bị các quốc gia khác sử dụng các biện pháp PVTM.
Trong các vụ việc đã xử lý, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN thông qua nhiều hoạt động như cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho DN…
Qua đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực như đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được XK sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; Khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Bảo vệ việc làm cho 150.000 người lao động
Đồng thời với hoạt động cảnh báo và tham gia vào quá trình khởi kiện đối với hàng hóa Việt Nam XK, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều biện pháp để tránh cho nền sản xuất trong nước bị thiệt hại với các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Gần đây nhất là quyết định khởi xướng điều tra đối với mặt hàng đường mía NK từ Thái Lan, sau 8 tháng thuế NK mặt hàng này về 0%.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2020, khi thuế NK mía đường về 0% theo cam kết trong lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lượng đường NK từ Thái Lan đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng NK đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm,Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.
Bộ Công Thương khẳng định, các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ áp dụng đã góp phần bảo vệ việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhờ công cụ PVTM, nhiều DN thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, Bộ cũng đánh giá, công tác PVTM của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được hoàn thiện như năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, DN chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài còn bất cập; Nguồn nhân lực thực hiện công tác PVTM chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các vụ việc khởi kiện và kháng kiện PVTM…
Tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho DN; Tăng cường nguồn lực cho công tác PVTM, kể cả rà soát, tổng kết, đề xuất định hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.