Phòng vệ thương mại: Công cụ để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, hàng hóa trong nước

Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở KCN Đông Bắc Sông Cầu. Ảnh: ĐẶNG VIỆT

Việt Nam đã và đang gia nhập sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do nên các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu… sẽ nhiều hơn, với tính chất phức tạp hơn. Do đó, những chính sách, biện pháp về PVTM là một trong những công cụ để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.

Trao đổi với Báo Phú Yên về một số vấn đề liên quan, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết:

- Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại dự do, một trong những điểm quan trọng nhất là hàng rào thuế quan thông thường sẽ giảm và được cam kết chặt chẽ trong các hiệp định. Sự cạnh tranh giữa hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn; doanh nghiệp xuất khẩu cũng chịu tác động lớn hơn từ phía đối tác nước ngoài.

Ông Chu Thắng Trung

Ông Chu Thắng Trung

* Thưa ông, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và vấn đề PVTM khi các doanh nghiệp trong nước tham gia đưa hàng hóa ra nước ngoài trong những năm qua diễn ra thế nào?

- Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, đã mang đến những thành tựu to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính ở giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng trung bình 6,8%/năm. Quy mô GDP năm 2020 ước đạt 271,2 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD/người. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng từ 327,8 tỉ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỉ USD năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7%/năm đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 22 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu. Từ đó cho thấy, xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cán cân thương mại hàng hóa đã có thặng dư, năm sau cao hơn năm trước.

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa trong nước đã thâm nhập và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tựvệđể bảo vệ mình. Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ việc, chiếm tỉ lệ 77%.

* Theo ông, các biện pháp PVTM có tác động, hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là trong điều kiện nước ta tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do?

- Thời gian qua, với những nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đang dần được nâng cao. Một số ngành, doanh nghiệp đã xác định điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, nên chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra; trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, thông tin doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường áp dụng biện pháp PVTM, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, các biện pháp PVTM nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu. Dễ nhận thấy là khi thuế nhập khẩu giảm, hàng nhập khẩu dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong đó có một số mặt hàng có những hành vi cạnh tranh không công bằng như bán phá giá hay nhận được trợ cấp của chính phủ nước ngoài. Và khi đó, biện pháp PVTM sẽ là công cụ để thiếp lập lại môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trong nước khắc phục thiệt hại, duy trì việc làm cho người lao động và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi các doanh nghiệp hiểu và biết cách sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật quy định.

* Vậy thì yêu cầu cũng như những biện pháp mà các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương, trong đó có Phú Yên cần phải chuẩn bị là gì, thưa ông?

- Đến nay, các biện pháp PVTM đã được quốc tế công nhận và quy định cụ thể trong các hiệp định. Việt Nam cũng đã xây dựng các khuôn khổ pháp luật về PVTM, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan và hoàn toàn tương thích với quy định, cam kết quốc tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước. Các đơn vị theo dõi sát, rà soát, đảm bảo quy trình, thủ tục trong quá trình điều tra; sẵn sàng có tiếng nói để bảo vệ hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nước. Cục PVTM (Bộ Công Thương), sở công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp tiếp nhận thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Phú Yên là một trong những địa phương có hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian qua với các mặt hàng có thế mạnh như: thủy sản, hạt điều, may mặc… Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp ở Phú Yên cũng phải chủ động cập nhật, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng, thông tin mới về thị trường, yêu cầu của đối tác; nắm vững nội dung của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết với các nước. Trong đó cần chú trọng các nội dung về PVTM để có những hiểu biết sâu sắc, biết cách áp dụng những biện pháp này một cách phù hợp với quy định trong nước, quốc tế. Doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn chung của thương mại quốc tế để tránh bị cáo buộc; chú trọng sản xuất hàng hóa chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để duy trì hoạt động xuất khẩu.

* Xin cảm ơn ông!

KHANG ANH (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276741/phong-ve-thuong-mai--cong-cu-de-bao-ve-loi-ich-doanh-nghiep-hang-hoa-trong-nuoc.html