Phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng phức tạp

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Sáng 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến Phổ biến thông tin về Phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tiến trình hội nhập thương mại tự do đã giúp chúng ta thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với việc cạnh tranh nhập khẩu hàng hóa. Đó là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế. Song, chúng ta sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các thị trường trên thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đánh giá về tình hình đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các nước đang phát triển tận dụng tối đa thương mại tự do để công nghiệp hóa hội nhập.

Tuy nhiên tâm lý chống toàn cầu hóa gia tăng ở các nước phát triển. Các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, liên minh Châu Âu (EU) với khả năng sáng tạo, đi đầu trên thế giới; Đài Loan, Hàn Quốc là những quốc gia có kỹ năng quản lý và công nghệ, sản xuất hàng chất lượng cao; Thái Lan, Malaysia lại có công nghiệp hỗ trợ, nước ngoài là chính thì Việt Nam chỉ thực hiện gia công đơn giản.

Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khi đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, logistic và khó có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường mới cũng như thương mại điện tử, kinh tế số của nước ta chưa phát triển.

Các nước đang có xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình và hàng rào thương mại, nhất là các hàng rào phi quan thuế ngày càng nhiều ví dụ như Trung Quốc yêu cầu đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, EU cân nhắc áp dụng thuế điều chỉnh carbon xuyên biên giới,...đang là những thách thức đặt ra đối với Việt Nam.

Các nước phát triển có tâm lý chống toàn cầu hóa, thiết lập hàng rào phi quan thuế ngày càng nhiều là những thách thức lớn với hàng hóa, doanh nghiệp Việt sau đại dịch. Ảnh minh họa

Để giải quyết những thách thức, khó khăn trong bối cảnh hiện nay, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, chúng ta cần tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế nhưng tập trung thúc đẩy chiều sâu thay cho mở rộng về diện đối tác.

Quan tâm đến lợi ích cụ thể của ngành và địa phương, sẵn sàng áp dụng các biện pháp phòng vệ được quốc tế cho phép, có cách tiếp cận phù hợp với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tận dụng các FTA để thúc đẩy cải cách trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế, từng bước tham gia chuỗi cung ứng và phát triển lên cấp độ giá trị cao hơn ở các ngành cơ bản và mũi nhọn. Đặc biệt có chính sách phù hợp với giai đoạn phát triển, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số,...

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay, theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Phòng vệ thương mại đã hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

Các biện pháp phòng vệ thương mại được đưa ra như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng chống thương mại của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật vụ việc phòng vệ thương mại.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định của WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài. Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau để doanh nhiệp quan tâm có thể thường xuyên theo dõi.

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra và đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra về phòng vệ thương mại đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp để đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước,...

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phong-ve-thuong-mai-doi-voi-hang-xuat-khau-cua-viet-nam-se-ngay-cang-phuc-tap-post167604.html