Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ tại thị trường Hoa Kỳ
Chiều 25/12, tại tỉnh Bình Dương, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương tổ chức hội thảo với chủ đề: 'Chia sẻ thông tin quy định hiện hành về thương mại và phòng vệ thương mại của ngành gỗ tại thị trường Hoa Kỳ'.
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Bình Dương và hơn 80 doanh nghiệp ngành gỗ. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo xoay quanh những vấn đề đang được doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay là chính sách thuế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thời Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, những biến động chính sách và cách biến nguy thành cơ hội; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại với những giải pháp giúp doanh nghiệp ngành gỗ chủ động thích ứng và bảo vệ quyền lợi.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó riêng sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.
Tính riêng thị trường Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Từ số liệu thống kê cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Thực tế cho thấy, đối với ngành gỗ, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, chủ yếu sản xuất gia công theo đơn hàng từ đối tác nước ngoài. Dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng nhìn chung kiến thức pháp luật và năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến việc không thể đáp ứng được những yêu cầu mà cơ quan điều tra đưa ra, hoặc không hợp tác trong trả lời bản câu hỏi. Thậm chí, quá trình ứng phó kéo dài cũng khiến một số doanh nghiệp bỏ cuộc, và cuối cùng phải nhận về kết quả bất lợi, giảm đáng kể khả năng cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu.
Trước những thách thức ngày càng tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương nói riêng cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh. Hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ cần theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin về cảnh báo sớm, thông tin liên quan đến chính sách và tín hiệu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại, qua đó có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Có sự chuẩn bị về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ,… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được.
Đặc biệt, khi nước nhập khẩu đã khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn.
Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo chứng minh được tính minh bạch trong sản phẩm mà nhiều nền kinh tế đang đòi hỏi.
Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý, siết chặt công tác chứng nhận xuất xứ, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của một số doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, giữ vững thị trường xuất khẩu.