Cơ hội để ngành cơ khí phát triển
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thêm thị phần. Song cần thiết phải có sự hỗ trợ về chính sách trong việc tạo thị trường, liên kết, cũng như nâng cao công nghệ cho doanh nghiệp.
Dư địa phát triển còn rất lớn
Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhận định: Doanh nghiệp (DN) cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Theo Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 DN ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Số liệu thống kê từ VAMI cho thấy, hiện linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu… Vậy nhưng, tính tổng các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện mới chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.
Thực tế cho thấy, cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển để cạnh tranh không phải không có, nhưng hàng loạt các vướng mắc, bất cập vẫn đang “kìm” chân DN. Lãnh đạo VAMI cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên dưới 40 tỷ USD các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỉ USD, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/3. Cơ hội để ngành này tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Như vậy có thể thấy, dư địa để ngành cơ khí phát triển là còn rất lớn nhưng việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong vẫn hết sức khó khăn. Nguyên nhân do sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài; năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh; chưa xây dựng được thương hiệu và chưa được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Tháo gỡ khó khăn
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, khó khăn với DN cơ khí hiện nay là đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn về đất đai, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị; xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để tập dượt trong quá trình xây dựng quy trình đó. Điều này không chỉ diễn ra trong 1-2 tháng mà là 2-3 năm, thậm chí là 5 năm. Hơn nữa, đa số các DN hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng, hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư, trong quá trình đó có thể 5-7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nếu tính với lãi suất 5% thì sau 10 năm, giá trị đầu tư đã tăng 50%.
Chưa hết, ông Cường cho biết thêm, ngành cơ khí còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Chẳng hạn, thép mác cao C45 vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Thái Lan. Vì vậy, nếu có biến động xảy ra trên thế giới, ngành cơ khí thiếu quyền chủ động trong việc quyết định giá. Mặt khác, ngành này còn hạn chế về công nghệ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương) cho rằng, các DN cơ khí hiện nay cần được Nhà nước tạo ra thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như ngành đường sắt đô thị, đường sắt nội đô, các nhà máy điện khí, các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất nguyên vật liệu,… Nếu bổ sung được một số cơ chế, chính sách phù hợp thì các DN cơ khí có sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Theo TS Phan Đăng Phong, với một nhà máy điện khí, theo thống kê trung bình, riêng thiết bị là khoảng 0,95 triệu USD/MW và nhà máy điện gió khoảng 1,4 triệu USD/MW sản phẩm. Như vậy, chúng ta có một thị trường khoảng hơn 60 tỉ USD. Chỉ cần nội địa hóa 40% bao gồm thiết bị phụ trợ, các kết cấu thép, cầu thang, lan can sẽ là thị trường cơ khí đã có được 24 tỉ USD. Đây là một thị trường rất đáng kể mà ngành cơ khí của chúng ta có thể thực hiện được...
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, việc giải ngân vốn vay ưu đãi cho các DN ngành cơ khí vẫn khá hạn chế, đòi hỏi cần có sự sâu sát hơn nữa của các bộ, ban ngành để nguồn tài chính được giải ngân một cách nhanh chóng. DN được giải ngân phải thực sự là những DN có khả năng quản lý tài chính, có năng lực về quản lý sản xuất để điều tiết các đơn hàng cho các DN nhỏ hơn ở bên dưới, kéo những DN nhỏ hơn đi theo hoặc các nhà thầu phụ, khi đó mới hình thành được mạng lưới chuỗi các nhà cung ứng và khai thác hiệu quả.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-hoi-de-nganh-co-khi-phat-trien-10297283.html