Phòng vệ thương mại giữ việc làm cho trên 100.000 lao động
Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của trên 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Bảo vệ sản xuất trong nước
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng sẽ có tác động tới ngành sản xuất nội địa do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, chống lại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, hàng hóa nhập khẩu quá mức gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của Tổ chức thương mại thế giới, pháp luật của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã và đang điều tra 7 vụ việc chống bán phá giá (áp dụng 3 biện pháp, 4 vụ việc đang điều tra), điều tra 6 vụ việc tự vệ (áp dụng 5 biện pháp đối với các sản phẩm: phân bón, mì chính, tôn màu, phôi thép và thép dài, dầu nành). Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025.
Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của trên 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước.
Theo dõi tác động của các biện pháp PVTM cho thấy, việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.
Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Theo dõi chặt chẽ, điều chỉnh cần thiết
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến giá cũng như tình hình nhập khẩu và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp PVTM cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp PVTM hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng, cho thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và cải thiện năng lực cạnh tranh của một số ngành sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh các FTA thế hệ mới có những yêu cầu chặt chẽ hơn trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn để thực thi các cam kết, nghĩa vụ này.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng theo dõi các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước để kịp thời tham vấn, điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp (như sợi, đường lỏng, que hàn, v.v).