Phóng viên của bản
Chiếc xe máy cài số một vất vả đưa chúng tôi lên thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình). Lên đến thôn tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì con đường dốc rất nguy hiểm. Nhìn chúng tôi vẻ lạ lẫm, mấy anh người Mông bản địa còn lắc đầu, mưa thế này chúng em cũng không dám xuống núi. Quả đúng thật, ở Khuổi Củng cứ mưa là biệt lập. Bấm bụng, mình đã hẹn với cán bộ thôn rồi, không đi không được.
Ngủ lại nơi non cao này thật dễ chịu. Chín giờ sáng trời còn lạnh và mây giăng kín bản. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Văn Liều, thôn Khuổi Củng bảo tôi, ở đây bà con thường đi làm nương lúc 10 giờ đến 3 giờ chiều mới về. Nhà báo đã hẹn nên hôm nay tôi báo chị em ở nhà mặc trang phục dân tộc đẹp, mọi người rất háo hức. Đúng là cả đi cả về 3 ngày ở Khuổi Củng thời gian trôi đi nhanh quá.
Điện ở đây mới có nhưng chưa có sóng điện thoại. Việc chuyển tin bài là một trở ngại lớn. Nên cánh làm báo chúng tôi phải tranh thủ lấy tư liệu, phỏng vấn nhân vật, chụp ảnh. Từ chuyến đi thực tế này, về nhà tôi nhen nhóm viết bài phóng sự “Khuổi Củng trên mây” đăng trên Báo Tuyên Quang. Bài được Ban biên tập “giật” ra trang nhất nên càng thấy chuyến đi thực sự kết quả.
Ở Báo Tuyên Quang, chuyện phóng viên đi công tác vùng sâu, vùng cao 5 - 7 ngày là chuyện thường như cơm bữa. Anh bạn tôi ở Báo Bắc Ninh trợn tròn mắt “sao mà đi dài ngày thế. Ba lần đi như vậy có mà hết cả tháng”. Anh bảo các huyện của tỉnh Bắc Ninh chỉ cách trung tâm thành phố 10 - 30 km. Có khi đi một buổi là gần hết huyện. So sánh ra cũng đúng, diện tích tự nhiên tỉnh Bắc Ninh có trên 800 km2, nhỏ hơn cả diện tích huyện Chiêm Hóa trên 1.200 km2.
Còn Tuyên Quang có 6 huyện, 1 thành phố, diện tích tự nhiên lên đến gần 6.000 km2, gấp đôi Thủ đô Hà Nội. Nếu đi từ thành phố Tuyên Quang lên thôn Khuổi Củng gần 160 km, trong đó nhiều đoạn khó đi. Nếu đi hướng xã Sinh Long (Na Hang) cũng tầm 170 km, Thượng Giáp 180 km, Hồng Thái 160 km. Đấy là mới tính đến trung tâm các xã, từ xã đi các thôn còn gập ghềnh, gian lao.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán trên địa bàn rộng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi chuyến công tác có thể đi một mình và nhiều lúc hai ba phóng viên cùng đi để hỗ trợ lẫn nhau. Phóng viên trẻ Quốc Việt, Báo Tuyên Quang hay lên công tác tại huyện vùng cao Na Hang. Trong ba lô hành lý của anh lúc nào cũng đầy đủ máy ảnh, máy tính, kem đánh răng, thuốc men, quần áo đủ cả. Cơ số hành lý ấy có thể bảo đảm cho phóng viên hoạt động độc lập cả tuần ở cơ sở.
Ở bản trở thành công việc thường xuyên của một phóng viên vùng cao. Chỉ có ở cùng dân, phóng viên mới quan sát, phát hiện ra vấn đề hay cần viết. Song chỉ có điều những nơi này ít các dịch vụ thiết yếu, hàng quán hầu như không có. Mọi sinh hoạt của phóng viên đều nhờ vào cán bộ và người dân địa phương.
Anh Đặng Đức Hoài, dân tộc Dao tiền, thôn Khau Tràng, cán bộ Văn phòng xã Hồng Thái (Na Hang) khi thấy anh em báo đường xa lặn lội lên công tác liền rỉ tai “tối lên nhà ngủ, anh bảo chị nấu cơm rồi”. Tối đó, câu chuyện lại râm ran khi có mấy người hàng xóm thấy khách lạ sang chơi. Mối quan hệ giữa phóng viên với cơ sở cứ như vậy mà nồng ấm, khăng khít. Bởi người dân cũng hiểu những người phóng viên vượt hàng trăm km lên đây để viết về việc thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; nêu gương những nhân tố điển hình tiên tiến, những giải pháp thoát nghèo, quảng bá du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc… của người dân địa phương. Qua đó góp phần cổ vũ bà con xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn và thực hiện nông thôn mới thành công.
Mấy năm gần đây Tuyên Quang có chuyển biến mạnh ở mảng hạ tầng viễn thông. Internet đã về đến trung tâm của 137 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Sóng điện thoại di động, sóng 3G, 4G được phủ rộng khắp địa bàn. Truyền hình vệ tinh, báo điện tử đã thực sự đưa thông tin về được với bản làng. Không chỉ có bí thư, trưởng thôn được đọc báo, mà người dân cũng thường xuyên đọc, vì truy cập vào Báo Tuyên Quang điện tử dễ dàng. Phóng viên Dương Phúc, Báo Tuyên Quang mừng khi những bài viết tâm huyết của mình được bà con đón đọc, phản hồi tích cực. Anh bảo, internet đã thực sự làm thay đổi công việc của người phóng viên. Từ một bản làng xa xôi, anh có thể gửi ngay tin, bài, ảnh về tòa soạn một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Báo Tuyên Quang hiện phát hành 4 số một tuần, cân đối đều thông tin của các huyện, thành phố, ngành, lĩnh vực. Việc kế hoạch hóa từng số báo đã tạo điều kiện cho phóng viên sự chủ động trong việc đăng ký, đi cơ sở, viết bài theo kế hoạch tuyên truyền. Căn cứ sở trường của từng phóng viên mà Ban Biên tập, trưởng các phòng giao cho phóng viên từng lĩnh vực chuyên sâu. Nhưng thi thoảng vẫn “đảo” địa bàn để mỗi phóng viên tự làm mới mình và ai cũng được đi bản.
Nhà báo Nguyễn Chính, nguyên phóng viên của Báo Tuyên Quang chia sẻ, trong cuộc đời làm báo Đảng tỉnh của mình ông đã đi trên 2.000 thôn bản trong tỉnh thời chưa sáp nhập, chỉ còn một vài thôn là chưa tới được. Giờ những phóng viên trẻ đi cơ sở, mọi người vẫn không quên hỏi thăm “nhà báo Nguyễn Chính có khỏe không”. Với ông, được dân nhớ đến tên, bút danh, đó là niềm hạnh phúc.
Các phóng viên Báo Tuyên Quang vẫn duy trì một thói quen: “Mai đi vùng cao nhé…”. Bởi ở những nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh không chỉ có những người dân thật thà, chất phác, yêu mến, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp, mà còn là nguồn tư liệu phong phú để mỗi nhà báo thỏa sức sáng tạo.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-vien-cua-ban-204544.html