Phóng viên đi làm... phu vàng!

Những năm tháng mới vào nghề, chúng tôi thường có những chuyến thâm nhập thực tế tại các bãi khai thác vàng, khai thác gỗ trái phép mà 'không tính ngày về'. Ngoài những chuyến đi đã được vạch ra kế hoạch, có những cuộc đột nhập chốn thâm sơn mà chúng tôi tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm xuất phát từ sự liều lĩnh của tuổi trẻ và quá 'ham đề tài'.

Những năm tháng mới vào nghề, chúng tôi thường có những chuyến thâm nhập thực tế tại các bãi khai thác vàng, khai thác gỗ trái phép mà “không tính ngày về”. Ngoài những chuyến đi đã được vạch ra kế hoạch, có những cuộc đột nhập chốn thâm sơn mà chúng tôi tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm xuất phát từ sự liều lĩnh của tuổi trẻ và quá “ham đề tài”.

Lán trại, công trường tại một bãi vàng ở H. Đông Giang năm 2013

Lán trại, công trường tại một bãi vàng ở H. Đông Giang năm 2013

Bị xe ôm bỏ rơi giữa rừng

Gần như các phóng viên vùng Quảng Nam, Đà Nẵng có máu đi rừng đều quen biết với cánh xe ôm địa phương. Đặc biệt là vào các bãi vàng, bãi gỗ. Hình ảnh các thanh niên rắn rỏi pha chút lì lợm bươn chiếc xe Win được bọc bánh bằng xích lội ngầm, vượt dốc xé rừng vào chốn thâm sơn không còn xa lạ với người làm nghề báo. Họ không chỉ là người vận chuyển mà còn là người hướng đạo, cung cấp thông tin cho cánh phóng viên. Tuy nhiên, giá cước của mỗi chuyến xe cũng thường mặn chát. Chuyện “anh em trong giới” giữa phóng viên và xe ôm sơn cước cũng có những tình huống bi hài, kể cả ngày không hết.Khoảng năm 2015, nhận thông tin bãi vàng ở xã Phước Hòa, Phước Sơn, Quảng Nam xả nước nhiễm cyanua ra sông, chúng tôi tìm cách vào hiện trường. Hẹn hò từ tối hôm trước, mờ sáng, chúng tôi khăn gói phóng xe máy lên Phước Sơn với sự phấn chấn có “hàng độc”. Được tư vấn nếu 2 người lên một xe thì đỡ chi phí hơn nhưng nhiều đoạn phải xuống đi bộ, hỏng hóc khó lường, chúng tôi cắn răng đi 2 xe với giá 1 triệu đồng khứ hồi. Hơn một giờ vừa đi vừa nghỉ tưới ống pô cho xe máy, chúng tôi tiếp cận được đường vào bãi. Tài xế nói chỉ dừng ở đây vì vào trong kia phu vàng địa phương nhận ra, về làng rất khó xử. Chúng tôi phải vừa đi bộ vừa thở dốc với hẹn ước 2 tiếng sau gặp lại để hạ sơn.

Do đơn độc, lạ nước lạ cái, chúng tôi không dám vào thẳng bãi vàng mà phải trèo lên ngọn núi gần bãi để ghi hình. Người ta nói bãi vàng như đại công trường giữa rừng núi không sai, vì máy móc, lán trại nằm la liệt, hàng chục con người làm việc trong tiếng máy nổ rền vang, khó nghe được tiếng của nhau.Đúng hẹn, men theo ngọn núi đi xuống để ra khỏi rừng thì chờ mãi không thấy tài xế xe ôm như đã hẹn. Một giờ, hai giờ sau cũng bặt vô âm tín. Chúng tôi buộc phải lận máy ảnh xuống đáy ba lô để đi bộ trong cơn mưa chiều thường thấy ở núi rừng Phước Sơn. Vừa đi vừa nghỉ, bụng đói, miệng khát, gần tối mới ra khỏi cửa rừng. Gọi điện cho xe ôm thì được báo là có “chim lợn” theo dõi và dọa từ nay không được chở người lạ lên xuống bãi vàng, nếu không thì “hết đường làm ăn”. Lúc đó chúng tôi mới rùng mình nhớ lại vì sao trên đường đi xuống, thỉnh thoảng lại gặp một thanh niên bặm trợn cày xe Win qua nẹt pô đầy hằn học. Cảm nhận được điều chẳng lành khi ba bốn thanh niên ở trần lượn qua lại trước mặt, đá bàn ghế rầm rầm trong quán tạp hóa uy hiếp, tối hôm đó, chúng tôi phải xin ngủ lại trụ sở UBND huyện.

Đường vào một mỏ vàng tạiH. Phước Sơn, Quảng Nam.

Đường vào một mỏ vàng tạiH. Phước Sơn, Quảng Nam.

Xin làm phu vàng

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến lần xộc thẳng vào lán trại của phu vàng ở xã Ba, huyện Đông Giang nói chuyện tỉnh bơ với hàng chục thanh niên cởi trần, xăm trổ khắp người, chúng tôi vẫn còn rùng mình.

Lần đó, sau khi có đủ thông tin do người dân địa phương cung cấp, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng và phóng viên Báo Tuổi trẻ bỏ lại hết hành lý, mặc áo bảo hộ xắn tay, đội mũ lưỡi trai rách rưới, chân đi dép rọ chở nhau trên chiếc xe Wave biển số 92 theo độc đạo vào thẳng mỏ vàng của một chủ mỏ có số má ở Quảng Nam. Hơn một giờ vừa đi vừa vồ ếch, đã có lúc chúng tôi tính chuyện quay đầu. Đi tiếp thì lo mà bỏ về thì tiếc, cả hai thay nhau chạy xe mãi rồi cũng nghe thấy tiếng tàu cuốc, máy bơm nổ rền rừng núi. Vừa thấy xe chúng tôi đi từ xa, máy móc tắt lịm, tiếng hò hét nói cười cũng ngưng. Khi thấy rõ mặt người, chúng tôi bấm bụng phóng qua và không quên vài tiếng chào hỏi kiểu “dân trong giới”. 2 thanh niên từ chiếu rượu đang uống dở phóng nhanh ra chặn đường hất đầu hỏi: “Đi mô đây? Hết đường rồi!”. Quả thật, phía trước là con ngầm đục ngầu, nước chảy xiết, không thể lấy cớ nói đi qua có việc ở phía trong. Người trước bấm đùi người sau, người sau bấm bụng người trước đánh liều quay xe nẹt pô xông thẳng vào lán, tôi hỏi lớn: “Phải bãi của Hùng đây không anh em? Hùng nó chỉ vào đây!”. Nghe nhắc đến Hùng, nhóm thanh niên nửa tin nửa ngờ nhưng cũng xởi lởi mời ngồi xuống làm mấy ly để gọi điện cho anh Hùng! “Mấy anh vào làm gì đó?”, một thanh niên nghe nhắc đến người quen thì dịu giọng. “Tiện đường đi chơi, xem được thì xin Hùng làm dăm bữa nửa tháng được không”. Một thanh niên khác sau khi kết thúc cuộc gọi cho chủ mỏ thì lớn tiếng nói “Anh Hùng không biết, hai anh tên gì để tôi báo lại”. Tôi nhất thiết chưa nghĩ ra cách ứng phó thì đồng nghiệp hề hà: “Đùa tí thôi, chúng tôi đi khảo sát địa chất để quy hoạch mỏ!”. Nghe tới đây, một tên trung niên xem chừng là quản lý ở bãi này rót 2 ly rượu rồi nhẹ nhàng: “2 anh làm tí với anh em. Còn có gì thì mời các anh về dưới đó làm việc với anh Hùng”.

Bên trong lán trại của một bãi vàng ở H. Phước Sơn.

Bên trong lán trại của một bãi vàng ở H. Phước Sơn.

Cạn 2 ly rượu, chúng tôi chỉ ra bầu trời giông dự báo sắp mưa nguồn nên xuống núi sớm. Ra khỏi rừng thì một mạch phóng thẳng từ Đông Giang về Đà Nẵng để tránh tai mắt, “chim lợn” vừa ngó trước ngó sau vừa bấm bụng cười không biết vì sao “cái khó ló cái khôn”, nghĩ ra câu chuyện quen biết cả chủ mỏ như rồng!

Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm tác nghiệp của những ngày mới vào nghề, chúng tôi đều rùng mình tặc lưỡi. Cùng với việc nghĩ lại ngày xưa sao mình liều lĩnh vậy, ai cũng có một chút tự hào vì được làm nghề, trưởng thành ở dải đất miền Trung với những chuyến đi không thể nào quên.

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/phong-vien-di-lam-phu-vang-post296908.html