Phóng viên điều tra: Gian nan và nguy hiểm

Nghề báo được đánh giá là vất vả, các phóng viên thường phải có mặt trực tiếp ở những điểm 'nóng' nhằm cung cấp thông tin mới, kịp thời, chính xác đến công chúng. Đặc biệt, phóng viên thực hiện các tác phẩm mang tính điều tra có khi còn bị đe dọa, hành hung trong quá trình tác nghiệp.

Tác giả (bên trái) trong một chuyến tác nghiệp.

Tác giả (bên trái) trong một chuyến tác nghiệp.

Bản thân tôi, vừa ra trường, mới chập chững bước vào nghề đã có một trải nghiệm khá thú vị và cũng nhiều gian nan, thử thách khi thực hiện bài điều tra về hoạt động trộm cắp dầu của tàu chở than từ Mỏ than Núi Hồng về ga Quán Triều. Với thông tin ban đầu ít ỏi, chỉ là có một nhóm người thường chở dầu về các vùng nông thôn của huyện Đại Từ để bán cho những chủ máy nông nghiệp, với giá rẻ hơn nhiều các cây xăng, dầu ở thời điểm đó. Tại sao giá bán dầu lại rẻ vậy?! đây là câu hỏi khiến tôi tò mò.

Để có được thông tin, tôi ngồi phác thảo sơ bộ kế hoạch tác nghiệp đề phòng những trường hợp có thể bị lộ, bị hành hung. Đầu tiên, tôi dò hỏi các chủ máy nông nghiệp và lần theo xe của các đầu nậu đi bán dầu để xác định khu vực các đối tượng lấy dầu; đồng thời tự nghĩ ra kỹ năng để xâm nhập bằng các vai diễn…

Cũng như những đối tượng làm ăn phi pháp khác, các tay trộm dầu cấu kết với lái tàu chở than từ Mỏ than Núi Hồng đi Quán Triều luôn cảnh giác khi có người lạ đi vào khu vực xóm Khuôn Gà, thị trấn Hùng Sơn (địa điểm hút dầu từ tàu xuống). Ở thời điểm đó, huyện Đại Từ vẫn còn đang rộ lên tình trạng bắt đỉa đem bán nên để tiếp cận được khu vực này, tôi cũng phải “lên đồ” bộ quần áo rách, nón mê, bao tải để nhập vai thợ bắt đỉa chuyên nghiệp.

Ngày đầu tiên, tôi chỉ có thể tiếp cận được hiện trường mà không thể ghi hình, chụp ảnh bởi địa hình đồi rừng, ta luy dương cao, cây cối rậm rạp. Sau mỗi lần các đối tượng hút dầu xong, rời khỏi khu vực, tôi lại luồn qua các bụi cây, bãi cỏ để tìm địa điểm thích hợp. Ngày thứ 2, tưởng như đã lựa chọn được địa điểm thích hợp tại đỉnh ta luy dương cao gần 30m, nhưng khi tiếp cận nơi này tôi phát hiện một tổ ong đất lớn, chỉ cần tiến lên khoảng 2 bước chân là dẫm trúng.

Có những lần nhập vai người đi bắt đỉa, tôi vô tình gửi xe ở chính nhà có người nằm trong nhóm đối tượng trộm cắp dầu nên trước khi về tôi đã phải xuống hồ gần đó trát bùn lên người, dầm mình xuống nước, làm ướt quần áo giống như người đi bắt đỉa…

Gần 1 tháng trời, tờ mờ sáng, tôi bắt đầu lên đường, tối nhọ mặt người mới về, ban ngày dưới cái nắng chói chang của mùa Hè, lương thực mang theo hàng ngày chỉ có bánh mỳ, hộp sữa tươi và chai nước lọc, cuối cùng tôi cũng có đầy đủ thông tin và hình ảnh về việc "bắt tay" giữa lái tàu và một số đối tượng để ăn trộm từ 200-300l dầu mỗi ngày.

Tác phẩm đăng tải trên Báo Thái Nguyên được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau đó, một số đối tượng gọi điện và có lời dọa nạt tôi. Ban lãnh đạo Công ty than Núi Hồng đã phản hồi, cảm ơn Báo Thái Nguyên phản ánh để đơn vị có giải pháp ngăn chặn, tránh thất thoát tài sản, thu hồi số dầu bị đánh cắp và xử lý nhóm cán bộ lái tàu vi phạm.

Tác giả (bên trái) trong một chuyến tác nghiệp.

Tác giả (bên trái) trong một chuyến tác nghiệp.

Hay như đề tài điều tra về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ ở một địa phương trên địa bàn tỉnh. Khoảng 10 giờ đêm một ngày chớm Đông năm 2017, tôi nhận được cuộc điện thoại từ cơ sở báo “có rất nhiều xe, gỗ tập kết” tại một nhà dân ven rừng ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên và xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Khoảng cách từ TP. Thái Nguyên đến địa điểm khoảng 70km, 2 bên đường chủ yếu là rừng núi, nhà dân thưa thớt nên tôi phân vân một lúc, nhưng cuối cùng vẫn lên đường bởi đam mê nghề. Tôi báo cáo Ban Biên tập về sự việc, đề xuất được đi 1 mình nắm thông tin trước. Đồ nghề mang theo là các thiết bị tác nghiệp, ủng, quần áo công nhân nhàu rách. Gần 2 tiếng đồng hồ ngồi trên xe máy cà tàng, tôi cũng đến được khu vực Na Hấu, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai (địa điểm được cho là có tập kết gỗ). Tuy nhiên, do không thông thạo rõ địa hình nên tôi phải mất 3 ngày ròng rã để tìm hiểu và thâm nhập, ban ngày ăn cơm ở nhà người báo thông tin tại cơ sở và thâm nhập vào địa điểm tập kết trong vai người đi tìm lá thuốc, đêm đến (khi gỗ được tập kết, vận chuyển) lần mò ghi hình…

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều chuyến tác nghiệp tại cơ sở để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Trong quá trình tác nghiệp, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của người dân. Đặc biệt, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, động viên của Ban Biên tập đã giúp tôi hoàn thành nhiều tác phẩm điều tra, đưa đến cho bạn đọc những tác phẩm báo chí chất lượng cao, phản ánh những vấn đề "gai góc" trong xã hội.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/phong-vien-dieu-tra-gian-nan-va-nguy-hiem-e09019c/