Phóng viên thường trú

Còn nhớ lúc mới rời quê Hải Dương tới thường trú ở đây, Giang bỡ ngỡ đủ điều. Nhưng tình yêu với nghề, với mảnh đất xa xôi đã giúp phóng viên thường trú như chị vượt qua mọi khó khăn và tìm thấy hạnh phúc trong nghề báo gian nan này.

Nửa đêm, chuông điện thoại reo, nhận được thông tin về trận mưa bão gây lũ quét, sạt lở đang diễn ra tại một huyện miền núi, Giang lập tức lên đường. Trong chiếc ba lô đựng phương tiện tác nghiệp, Giang bỏ thêm vài phong lương khô, bánh gạo, chai nước mang theo. Cúi xuống thơm lên môi má các con, chị nhẹ nhàng khép cửa. Chồng chị nhét vào cốp xe thêm một bộ áo mưa dự phòng, giúp vợ bọc túi ni lông để bảo vệ máy ảnh, điện thoại không bị ướt. Anh không quên nhắc vợ nhớ cẩn thận, chú ý những cung đường hay sạt lở.

Trời mưa tầm tã, nhiều đoạn đường sạt lở gây khó khăn cho việc di chuyển. Những tảng đá lớn từ trên núi lăn xuống chặn đứng đường đi. Mưa táp thẳng như cào vào mặt, tiếng gió rít vọng ra từ trên đỉnh núi. Gió quần quật như muốn xé rách chiếc áo mưa chị đang mặc trên người. Có những đoạn Giang chỉ sợ gió sẽ quật cả người lẫn xe xuống vực. Gần sáng, Giang phải bỏ lại xe ở nhà dân ven đường tìm cách di chuyển khác để tiếp cận vùng “rốn lũ”.

Mười năm làm phóng viên thường trú ở tỉnh miền núi phía Bắc, Giang đã quá quen với những tình huống thế này. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng công việc của một phóng viên bám địa bàn là phải làm sao để có những hình ảnh chân thực nhất, thông tin chính xác nhất về tình hình mưa lũ, những tổn hại mà người dân vùng lũ đang phải trải qua để chuyển tải tới bạn đọc.

Quần xắn lên cao, hai bàn chân ngập trong bùn đất, có lúc loay hoay mãi không nhấc nổi lên. Đứng giữa đống đổ nát tan hoang và tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con, Giang thấy chân mình muốn khụy xuống. Mưa ngớt, có người đàn bà bới trong đống sạt lở tìm thấy chiếc nồi méo mó nấu cơm chiều. Những thầy cô bám bản, bám trường nhìn lớp học tan hoang mà bất lực. Giang nhặt cuốn sách giáo khoa lớp 4 bị trôi dạt mắc lại bên đường, lòng trào lên thứ cảm xúc khó tả. Lúc chị giơ máy ảnh chụp khoảnh khắc ánh mắt thất thần của ông cụ nhìn về phía ngôi nhà của mình vừa bị lũ cuốn đi, trời lại tiếp tục đổ mưa...

Ngồi trú mưa trong một nhà dân, chị gõ vội những dòng tin tức gửi về tòa soạn. Lúc mở ba lô ra, chị xúc động khi thấy một mảnh giấy nhỏ được con gái bỏ vào tự lúc nào. Mảnh giấy vẽ hình mặt cười hở những chiếc răng sún, kèm dòng chữ “mẹ Giang cố lên!”. Miếng lương khô nghẹn lại trong cổ họng. Giờ này mấy bố con ở nhà không biết đã nấu cơm chưa? Chị đi vội quá chẳng kịp chuẩn bị gì. Trời mưa gió thế này tụi nhỏ đi học mong là không ướt.

Nhưng Giang không để mình bị phân tâm thêm nữa, bởi chị biết tòa soạn đang chờ tin bài gửi về để kịp thời ra báo vào sáng sớm ngày mai. Xong việc, chị đang tính gọi về nhà thì bỗng chuông điện thoại reo vang. Phía đầu dây bên kia, giọng chồng Giang vang lên đầy lo lắng:

- Em ổn không? Chiều anh gọi mấy cuộc không thấy em nghe máy.

- Em bận công việc quá. Nãy cũng định gọi hỏi thăm mấy bố con. Các con ngoan không anh?

- Các con ngoan, học xong đã lên giường đi ngủ. Chỗ mình cũng ngớt mưa. Em cứ yên tâm. Nhớ giữ gìn sức khỏe...

Tắt máy, Giang thấy chút niềm vui ấm áp sau một ngày dài vật lộn cùng mưa lũ, chứng kiến biết bao chuyện đau lòng. Đêm nay, ở ngoài kia biết bao nhiêu gia đình màn trời chiếu đất. Thiên nhiên vẫn gầm gào đâu đó trên những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn bị đốn gục - nơi mà Giang cùng đồng nghiệp từng theo chân cán bộ kiểm lâm tiếp cận hiện trường, truy bắt đối tượng khai thác gỗ. Từng xót xa nhìn những cây gỗ bị xẻ thịt. Từng nghe thấy những lời kêu cứu phủ mùn cưa phơi trong nắng đại ngàn. Ngoài trời mưa lại bắt đầu đổ xuống…

Giang trở về nhà sau hơn một ngày bám trụ tại vùng rốn lũ. Tháo đôi ủng còn bám bùn đất, chị ngồi xuống thềm nhà cảm nhận rõ sự ê ẩm đau đớn của cơ thể sau quãng đường dài. Chồng con chị có lẽ đã ngủ ngon. Chị tựa người vào cột nhà, mở máy ảnh xem lại những bức hình mới chụp. Có những khoảnh khắc đắt giá chị không kịp chụp lại mà chỉ có thể lưu giữ được trong tâm trí. Bão lũ đi qua nhưng chúng đã để lại trên dải đất Tây Bắc những vết thương dài. Niềm vui của một người làm báo chính là khi bài viết của mình trở thành cầu nối để bạn đọc chia sẻ với người dân, giúp họ khắc phục khó khăn, sớm vượt qua tai ương, trở lại cuộc sống bình thường.

Giang sẽ trở lại vào một ngày gần nhất, để ngắm ngôi trường đã được tu sửa lại; gửi đến bạn đọc nụ cười của những đứa trẻ thơm tho mùi sách vở mới, bàn ghế mới; nụ cười của những cụ ông, cụ bà đứng bên hiên căn nhà vừa được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây kiên cố. Sau trận lũ, cây cối, đất đai đang dần hồi sinh. Tình yêu thương của con người khiến những mất mát, đau thương dần lành lại. Giang cũng chuẩn bị cho những đề tài mới, những chuyến đi còn gập ghềnh phía trước.

Còn nhớ lúc mới rời quê Hải Dương tới thường trú ở đây, Giang bỡ ngỡ đủ điều. Xa gia đình, người thân đến một nơi chẳng có người quen, chị đã gặp không ít khó khăn. Tác nghiệp trên địa bàn mới lạ, địa hình phức tạp, di chuyển khó khăn, Giang cố gắng xoay xở để hoàn thành công việc. Nơi đây phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Nhưng chính hiện thực đời sống vùng cao vô cùng phong phú và sinh động từ cảnh sắc, con người đến chiều sâu văn hóa đã khiến Giang dần yêu mảnh đất này. Không cần tìm kiếm ở đâu xa, chỉ cần chú ý quan sát, lắng nghe, tập trung phản ánh một cách chân thực, khách quan nhất hiện thực của đời sống xã hội giàu bản sắc nơi đây cũng đã đủ để thu hút bạn đọc.

Hơn mười năm trôi qua, nữ phóng viên trẻ năm nào giờ đã có một mái ấm gia đình trên chính mảnh đất này. Chồng chị là giáo viên, cũng đã gắn bó ở đây cả quãng đời tuổi trẻ. Hai đứa con lần lượt ra đời với biết bao khó khăn, vất vả nhưng trong Giang niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề càng thôi thúc. Chị lăn lộn khắp các bản làng để từng bản tin, từng bài báo mang hơi thở đời sống vùng rẻo cao được ra đời.

- Em từng khi nào muốn rời khỏi mảnh đất này chưa?

- Hồi còn chưa quen anh. Mẹ nhắc em chọn công việc ở gần mẹ. Mẹ bảo con gái cần ổn định để còn lập gia đình. Mẹ không muốn em một mình ở nơi heo hút, rừng thiêng nước độc.

- Nghe nói bà ngoại còn nhắm sẵn cho em một anh bác sĩ đẹp trai?

- Thì vậy. Mẹ còn lên tận nơi làm công tác tư tưởng cho em đấy chứ. Nhưng lúc ấy em còn trẻ, còn căng tràn nhiệt huyết với nghề. Em muốn thử thách bản thân mình nhiều hơn. Mà thật ra là em đã trót yêu mảnh đất này rồi.

- Lúc ấy em còn trẻ. Thế còn bây giờ, có khi nào em ân hận vì ngày xưa đã bỏ qua cơ hội để thay đổi mọi thứ?

- Không nhé! Em vẫn còn trẻ lắm. Em thấy mình còn nhiệt huyết hơn xưa. Hay là tại nơi này có anh và các con nên em chẳng bao giờ ân hận.

Giang dụi đầu vào ngực chồng, thầm cảm ơn anh đã luôn là hậu phương vững chắc để chị có thể xách ba lô lên và đi bất cứ lúc nào. Con người anh giống như mảnh đất Tây Bắc này, tươi đẹp và hiền hòa đến mức người ta muốn gắn bó dài lâu.

Sáng nay Giang nhận được tin vui. Loạt bài viết “Tiếng kêu cứu từ cánh rừng đầu nguồn” của chị đoạt Giải Báo chí quốc gia. Anh em dưới tòa soạn nhắn tin chúc mừng liên tục. Người dặn hôm này xuống thủ đô nhận giải nhớ mang quà Tây Bắc. Người nhắc: “Nhớ dắt theo chồng nhé, để tiếp rượu mừng của anh em”. Người thì trêu: “Chả biết chị Giang còn nhớ đường Hà Nội không nữa. Sợ đi mãi đường núi nên quên rồi”. Giang biết ơn vì anh em tòa soạn luôn quan tâm, yêu quý đến các phóng viên thường trú. Giang và các anh chị em trong văn phòng đại diện ở đây cũng luôn cố gắng để trở thành “cánh tay nối dài” của tòa soạn đến vùng rẻo cao Tây Bắc xa xôi.

Giang vui quá. Thứ niềm vui quả ngọt của người đã nỗ lực vun trồng. Dù khi bám rừng xuyên đêm trong hiểm nguy kề cận chị chưa bao giờ nghĩ đến giải thưởng. Chị chỉ mong gửi đến bạn đọc, các cơ quan chức năng tiếng kêu cứu của những cánh rừng đang bị bức tử bởi lòng tham của con người. Để biết mỗi người có lương tâm nhìn thấy sau những thân cây trên rừng phòng hộ đổ xuống là bao mái nhà bị cuốn trôi, bao người dân vô tội phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Chị vui mừng khi biết tiếng kêu ấy đã vang vọng đến nhiều người. Chị mong rằng trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tăng cường những hoạt động thiết thực để bảo vệ cánh rừng đầu nguồn, bảo vệ lá chắn xanh tự nhiên. Lần này đi nhận giải cũng là cái cớ để Giang về tòa soạn thăm anh em đồng nghiệp. Những phóng viên thường trú như chị đâu phải lúc nào cũng có cơ hội đó. Giang mở tủ, lựa đi lựa lại không thấy bộ quần áo nào phù hợp đi nhận giải liền quay lại hỏi chồng:

- Chẳng biết còn kịp đặt mua áo dài không anh nhỉ? Quần áo của em toàn đồ đi tác nghiệp rừng núi, chẳng có bộ váy vóc nào đẹp cả.

- Hay là mai anh đưa em đi thử áo dài. Chứ đặt mua trên mạng biết thế nào mà lần. Có khi mua về màu sắc lại không ưng, cũng chưa biết rộng, chật thế nào. Chẳng mấy khi có dịp đi nhận giải, em cứ phải thật tươi xinh mới được. Không phải em nói mình vẫn còn trẻ hay sao?

Giang liếc nhìn chồng, niềm hạnh phúc ấm rực trong tim. Suốt cả ngày tâm trí chị cứ nghĩ mãi về chuyến đi Thủ đô vào ngày đặc biệt, ngày của những nhà báo đang mỗi ngày tâm huyết với nghề…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phong-vien-thuong-tru-384220.html