Phụ cấp độc hại của công chức theo quy định mới nhất
Thời gian tới sẽ phải sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Riêng phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ được gộp chung với phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và được gọi chung là phụ cấp theo nghề.
Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị quy định đến năm 2021 sẽ "khai tử" nhiều khoản phụ cấp, trong đó có phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Dưới đây là những quy định về phụ cấp độc hại, nguy hiểm của công chức theo quy định mới nhất.
Mức hưởng mới nhất
Theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm của công chức áp dụng với công chức làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.
Trong đó, theo Điều 1 Thông tư số 07 năm 2005, Bộ Nội vụ quy định các đối tượng sau sẽ được hưởng phụ cấp độc hại:
- Công chức kể cả dự bị, tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
- Công chức thuộc biên chế Nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
Cũng tại Thông tư 07 này, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính dựa vào mức lương cơ sở, theo công thức: Phụ cấp độc hại = (bằng) mức lương cơ sở x (nhân) hệ số
Trong đó, hệ số của loại phụ cấp này gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4. Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Trước đây, theo Nghị quyết 86 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng nhưng do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 122/2020/QH14 với nội dung: Chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020.
Như vậy, mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm của công chức không tăng, vẫn giữ nguyên căn cứ vào mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng.
Lưu ý: Mức hưởng được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có yếu tố độc hại, nguy hiểm, cụ thể:Làm việc dưới 4 giờ/ngày: Tính là ½ ngày làm việc;Làm việc từ 4 giờ trở lên/ngày: Tính là làm việc cả ngày.
Dưới đây là chi tiết mức hưởng phụ cấp này của công chức:
Đồng thời, phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH.
Thực hiện chế độ tiền lương mới đến 1-7-2022
Hiện nay, thông tin về cải cách tiền lương đang được quy định tại Nghị quyết 27. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.
Do đó, thời gian tới sẽ phải sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Riêng phụ cấp độc hại, nguy hiểm, theo tinh thần của Nghị quyết này sẽ được gộp chung với phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và được gọi chung là phụ cấp theo nghề.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết này, trong năm 2021 sẽ thực hiện cải cách tiền lương và sẽ bãi bỏ phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới của công chức đến 1-7-2022.
Như vậy, dự kiến phải từ 1-7-2022 mới không còn tên gọi phụ cấp độc hại mà những công chức phải làm nghề, công việc với điều kiện độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng phụ cấp theo nghề.