Phụ cấp độc hại tính theo thời gian thực tế làm việc
Bà Trúc Giang (Cà Mau) được tuyển dụng vào vị trí Lưu trữ viên hạng III năm 2017 (có kho lưu trữ và có tài liệu lưu trữ). Căn cứ Thông tư số 07/2005/TT-BNV thì bà được cơ quan cho hưởng phụ cấp độc hại 0,2 x với mức lương cơ sở trên 1 tháng (năm 2022 bà Giang nhận được 298.000 đồng/tháng).
Bà Giang hỏi, theo Điểm a Khoản 3, Mục II của Thông tư số 07/2005/TT-BNV thì hằng ngày thời gian bà làm việc trong kho (trích lục hồ sơ) dưới 4 giờ thì có được tính là 1.490.000 x 0,2 = 298.000 chia cho 2 (nửa ngày làm việc) là 149.000 đồng/ngày hay không? Nếu như vậy mỗi tháng bà được hưởng phụ cấp độc hại là 149.000 x 22 ngày làm việc = 3.278.000 đồng. Vậy từ năm 2017 đến nay bà có được truy lĩnh lại khoản phụ cấp độc hại đó hay không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Mục II Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định cụ thể mức phụ cấp và cách tính.
Theo đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ BHXH.
Việc tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Cà Mau thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Vì vậy, đề nghị bà Trúc Giang liên hệ với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Cà Mau (Sở Nội vụ) để được giải đáp.