Phù điêu vẽ chiều sâu cho không gian
HNN - Những họa tiết chạm khắc mềm mại, tinh xảo mang đậm hơi thở lịch sử, văn hóa được thể hiện trên những bức phù điêu đang dần trở thành yếu tố nổi bật trong một vài công trình kiến trúc tại Huế.

Phù điêu hình tròn như một chiếc cửa sổ được chạm khắc công phu
Một trong số đó là khu nhà vườn tại số 3 đường Thạch Hãn (phường Thuận Hòa, quận Phú Xuân). Công trình nổi bật với thiết kế nhà rường truyền thống xứ Huế ở bên trong và hệ thống sân vườn nhiều cây xanh, tiểu cảnh khu vực bên ngoài. Tại đây, những bức phù điêu hình tròn chạm khắc họa tiết tứ linh được bố trí dọc theo mặt tiền, gắn liền trên các mảng tường gạch mộc. Không chỉ là điểm nhấn thị giác, những bức phù điêu còn khơi gợi cảm giác bí ẩn, kết nối người xem vào nguồn mạch của thời gian. Cùng kích cỡ nhưng được sắp đặt khéo léo theo từng vị trí khác nhau, các phù điêu tạo nên vẻ cổ điển, trang nhã cho không gian tổng thể của toàn bộ khu nhà vườn.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Đông cho biết: “Thông qua kỹ thuật vuốt khối, chạm khắc điêu luyện, những người thợ đã tạo ra các tác phẩm phù điêu không chỉ giàu tính thẩm mỹ mà còn gợi mở những tầng cảm xúc sâu sắc. Mỗi phù điêu là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh, là sự giao thoa giữa tư duy trừu tượng và hiện thực, giữa văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại”.
Tại Huế, nhiều công trình kiến trúc, từ nhà ở, nhà thờ họ, quán cà phê đến các cơ sở tôn giáo như chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu đã lựa chọn phù điêu như một điểm nhấn tâm linh, phong thủy. Đặc biệt, ở những địa điểm như đền miếu, lăng tẩm Triều Nguyễn, các bức phù điêu góp phần tạo nên sự uy nghiêm và chiều sâu cho không gian. Ngoài các chất liệu quen thuộc như: gốm, đá, thạch cao hay xi măng, nhiều công trình tại Huế còn sử dụng phù điêu bằng gỗ, đặc biệt là các mẫu phù điêu hình tròn, vừa làm yếu tố trang trí, vừa đóng vai trò như ô cửa sổ đón gió, đón sáng.
KTS Trần Đông nhấn mạnh: “Trải qua lịch sử tồn tại lâu dài, phù điêu mang đến những ứng dụng nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng rực rỡ nhất có lẽ là dành cho các công trình kiến trúc nhà ở. Với kiểu dạng hình tròn, phù điêu tượng trưng cho bầu trời, cho sự viên mãn, hài hòa và tuần hoàn của vũ trụ”.
Đặc trưng của phong cách kiến trúc cổ điển là sự tỉ mỉ trong từng đường nét kết hợp sử dụng tinh tế về mặt màu sắc. Các chi tiết nhỏ, tinh xảo như những bức phù điêu được bố trí hài hòa tạo nên một công trình tổng thể cổ kính, duyên dáng mà vẫn cá tính, sang trọng. Việc kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật phù điêu và kiến trúc truyền thống Á Đông ở một vài công trình tại Huế đã tạo nên những không gian sống giàu nghệ thuật và chiều sâu văn hóa. Phù điêu là bức tranh biết kể những câu chuyện cuốn hút về thời gian.