Xuất hiện tình trạng đổ xô trồng cây đón đền bù dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum
Sau khi nghe thông tin dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum, trên địa bàn xã Ba Tô, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã xuất hiện tình trạng người dân là chủ vườn, rừng tổ chức trồng xen cây keo và huỳnh đàn với mật độ dày đặc. Chính quyền địa phương cho biết sẽ kiểm tra việc trồng cây huỳnh đàn vào các rẫy keo hoặc dựng lán trại nhằm mục đích trục lợi từ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Trên cơ sở đó huyện sẽ có hướng xử lý phù hợp nhất…
Đổ xô trồng cây huỳnh đàn
Tại thôn Trường An, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, người ta dễ dàng thấy cây huỳnh đàn (còn gọi là cây gỗ sưa) cùng với cây cau được người dân trồng… cấp tốc. Tại xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, nhiều diện tích cây huỳnh đàn trồng kín mít chen vào rẫy cây keo đã được trồng nhiều năm trước. Không những trồng trên rẫy, trên đất nhà mình, nhiều người lấn chiếm đường bộ, hành lang đường bộ để trồng cây huỳnh đàn, chờ được đền bù.

Nhiều người dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đổ xô trồng cây huỳnh đàn.
Ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, chúng tôi gặp ông Phạm Văn Thương. Thay vì bán đất, gia đình ông Thương đồng ý nhận giống cây huỳnh đàn của các thương lái để trồng chung, ăn chia khi trúng đền bù dự án cao tốc đi qua. "Mấy người bán cây con đến đây đặt vấn đề hợp tác. Mình có tiền thì mua cây huỳnh đàn, không có tiền thì lấy trồng cây con của họ. Khi trúng cao tốc, tiền đền bù chia với họ là 7 - 3 hay 5 - 5 gì đó", ông Thương cho biết.
Cũng ở huyện Ba Tơ, dọc theo khu vực dự kiến cao tốc đi qua, nhiều nhà dân cũng đua nhau mua cây huỳnh đàn trồng xung quanh nhà chờ đền bù. Theo bản đồ quy hoạch có từ nhiều năm trước, tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ đi qua nhiều xã ở huyện Ba Tơ. Quy hoạch này không những được công khai trước UBND xã mà một số bản đồ ứng dụng số có quy hoạch chi tiết tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum đi qua. Ông Đinh Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ cho biết, người dân tìm đất mua hoặc trồng cây huỳnh đàn là dựa vào bản đồ số chi tiết trên các ứng dụng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng chục năm qua, người dân ở Ba Tơ bám vào cây keo để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều cơ sở ươm keo giống cũng đã mọc lên. Tuy nhiên giờ đây, nhiều cơ sở ươm keo giống này được thay bằng cây huỳnh đàn, loài cây hiếm hoi được người dân trồng. Nhiều điểm tập kết giống cây huỳnh đàn để chở đi bán, các thương lái tỏa về các điểm cho rằng tuyến cao tốc đi qua để trồng cây huỳnh đàn ăn chia đền bù với người dân.
Ông Thành Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cũng xác nhận có dấu hiệu của việc trồng cây huỳnh đàn vào các rẫy keo nhằm trục lợi. UBND huyện Ba Tơ đã chỉ đạo các địa phương nắm tình hình, tuyên truyền cho người dân nhằm hạn chế việc trồng cây hoặc xây dựng nhà cửa đón đầu dự án cao tốc. "Huyện sẽ kiểm tra việc trồng cây huỳnh đàn vào các rẫy keo hoặc dựng lán trại nhằm mục đích trục lợi từ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Trên cơ sở đó huyện sẽ có hướng xử lý phù hợp nhất", ông Thành nói thêm.
Dự án chưa được phê duyệt
Lãnh đạo UBND xã Ba Dinh xác nhận có việc người dân mua đất, trồng cây huỳnh đàn, hoặc dấu hiệu thực hiện đầu cơ cây giống để kiếm lời. Địa phương cũng đã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không thay đổi cây trồng bằng cây huỳnh đàn. Địa phương cũng đã xác định các trường hợp trồng huỳnh đàn trái phép trên hành lang đường bộ, trường hợp trồng cây đất hằng năm khác nhưng lại đổ xô trồng cây huỳnh đàn.
Trong khi đó, liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, cho đến nay, Bộ Xây dựng mới có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư dự án. Dự án dự kiến được phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 10/2025, phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 5/2026, khởi công vào tháng 12/2026. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 144 km, qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 58km.
Ông Trương Minh Cường, Phó Trưởng phòng bồi thường, giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối với việc phóng tuyến thì hiện nay chỉ mới là khảo sát thôi, chưa có cơ sở, chưa chính xác vị trí, đặc biệt ranh giới phóng tuyến tỷ lệ hiện nay rất khác về thực tế. “Vì vậy khuyến cáo người dân không nghe theo một số đối tượng để trục lợi trồng những loại cây chờ đền bù. Tránh trường hợp không đúng tuyến, không đúng mục đích sử dụng đất. Và tất nhiên, việc trồng cây dày đặc nếu không đảm bảo đúng quy định thì sẽ không được bồi thường", ông Cường cho biết.