Phú Dương tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa
Sáng 29/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi làm việc với Đảng ủy xã Phú Dương (TP. Huế) nhằm khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Phú Dương có 4 di tích lịch sử nằm trong hệ thống di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; 6 đình làng được xây dựng lâu năm.
Hiện Phú Dương vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian, tín ngưỡng, phong tục; nét văn hóa truyền thống của người Huế và các lễ hội mang tính chất truyền thống. Công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa được tăng cường. Toàn xã có 9/9 khu dân cư đều có nhà văn hóa…
Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều ý kiến nêu lên những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cơ sở. Đó là, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế; thiết chế văn hóa trên địa bàn xã chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa hằng năm còn ít; sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu hóa đã làm cho một số nét văn hóa tốt đẹp của địa phương bị mai một trong giới trẻ…
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Đảng ủy xã trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị Đảng ủy xã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của lãnh đạo các sở, ban, ngành; sớm bổ sung, xây dựng kế hoạch của Đảng ủy thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy năm 2024 đạt kết quả cao hơn nữa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về văn hóa; làm chuyển biến nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa trên cơ sở quy hoạch mang tính lâu dài; quan tâm hình thành các cơ chế quản lý các thiết chế văn hóa; tạo điều kiện cho cán bộ văn hóa tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử.
Duy trì và tiếp tục phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, gắn việc giáo dục, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống và phong tục tập quán với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, và công tác xây dựng Đảng.