Phù hợp và nghiêm minh
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Trong nội dung dự thảo luật này có nhiều điểm mới được dư luận quan tâm, vì tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Dự luật đã nhận được sự đồng thuận cao của cử tri, đặc biệt là đội ngũ công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước.
Theo đó, dự luật bổ sung quy định cụ thể đối với 2 hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc và trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 37 và Điều 38. Cụ thể, dự luật đã quy định việc chuyển hóa từ hành vi chậm đóng sang hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc; bổ sung quy định về việc đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc tại Điều 34, trong đó cơ quan BHXH sẽ đôn đốc bằng văn bản khi người sử dụng lao động chậm đóng, vi phạm pháp luật về kê khai, đăng ký tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời bổ sung 2 điều quy định về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 39 và Điều 40.
Đây là vấn đề được xã hội rất quan tâm vì thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố. Điều đáng nói là vấn đề này lại được các cơ quan chức năng lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Thậm chí không ít người sử dụng lao động cố tình vi phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời và nghiêm minh dẫn đến không ít doanh nghiệp nhờn luật. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc tổ chức thực hiện cũng như công tác quản lý ngành chưa chính xác. Cụ thể là số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và các giải pháp đôn đốc thu chưa mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý dẫn đến tình trạng chậm đóng thời gian dài và kết quả là khó thu hồi. Về mặt quy phạm, một số quy định đã có nhưng vướng mắc, khó khăn trong thực hiện… Theo thống kê của BHXH Việt Nam, mặc dù số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm - 2016 chiếm 3,75%, năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%, nhưng về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng tăng qua từng năm và đến năm 2023, đã lên hơn 13 ngàn tỷ đồng, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng.
Chính vì vậy, dự thảo luật bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cụ thể, bổ sung chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên hoặc với doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; cho phép cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự…
Ngoài ra, dự thảo luật còn bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại quyền lợi của người lao động. Đây là những quy định phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định và tinh thần của Hiến pháp. Vì vậy, dư luận cho rằng, đây là những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng chậm hoặc trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng BHXH để làm gương. Đồng thời, dư luận cũng mong rằng, ngành BHXH cần nhanh chóng thực hiện số hóa, giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh từ khi nhập viện đến lúc xuất viện; bảo đảm đầy đủ trang thiết bị y tế và những loại thuốc thiết yếu tại các cơ sở điều trị.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/165149/phu-hop-va-nghiem-minh