Phụ huynh bức xúc vì vẫn phải mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo

Dù Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu các trường không bán kèm các loại sách khác ngoài sách giáo khoa, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại ở các cơ sở giáo dục của Hà Nội.

Nhận thông báo từ giáo viên chủ nhiệm đề nghị phụ huynh đăng ký mua bộ sách lớp 2 cho con, chị Nguyễn Bảo Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thêm lo lắng vì ngoài gánh nặng học phí nay lại thêm khoản tiền mua sách. "Tất cả phụ huynh trong lớp đều đồng ý nhờ nhà trường mua sách nên chị theo ý kiến số đông", chị nói.

Con gái chị đang học lớp 2, trường Tiểu học Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo thông báo của trường, giá bộ sách lớp 2 cho năm học 2022 - 2023 là 511.000 đồng/24 cuốn sách.

Bảng giá sách lớp 2 được kê khai yêu cầu phụ huynh mua chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023. (Ảnh: Hà Cường)

Bảng giá sách lớp 2 được kê khai yêu cầu phụ huynh mua chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023. (Ảnh: Hà Cường)

Nhìn vào danh mục các loại sách, người mẹ 37 tuổi này mơ hồ không phân biệt được sách giáo khoa và sách tham khảo, sách bổ trợ. "Năm học trước, con gái vào lớp 1, chị cũng phải chi gần 600.000 đồng mua sách và đồ dùng học tập, đến nay nhiều cuốn vở bài tập, sách về nhà vẫn mới nguyên, chưa hề sử dụng tới. Năm nay tình trạng ấy sẽ lại tái diễn", vị phụ huynh nói.

Chị từng thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm lớp nhưng câu trả lời nhận được là "quy định chung của nhà trường, nếu phụ huynh không đồng ý mua có thể tự ra ngoài mua".

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, lớp 2 gồm 8 môn học (10 cuốn sách) bắt buộc gồm: Tiếng Việt (tập 1, 2), Toán (tập 1, 2), Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động giáo dục thể chất. Tuy nhiên, trường Tiểu học Hữu Hòa yêu cầu phụ huynh mua 24 cuốn sách bao gồm cả sách bài tập, sách tham khảo (nhiều gấp gần 1,5 lần số sách bắt buộc).

Tương tự, một trường THCS quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đính kèm thông báo bắt buộc đăng ký mua bộ sách giáo khoa khi tham gia đăng ký tuyển sinh vào trường. Bộ sách lớp 6 được trường này đưa ra với 16 đầu sách (gồm cả sách bổ trợ và sách giáo khoa) giá 411.000 đồng.

Giá bộ sách giáo khoa lớp 6 được trường thông báo đến phụ huynh. (Ảnh: Hà Cường)

Giá bộ sách giáo khoa lớp 6 được trường thông báo đến phụ huynh. (Ảnh: Hà Cường)

Trước đó, tại trường Tiểu học Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội), giá bộ sách lớp 4 dùng cho năm học mới 2022 - 2023 được thông báo tới phụ huynh với 27 đầu mục sách (bao gồm cả sách bổ trợ, sách tham khảo, thiết bị, đồ dùng học tập) mức giá lên tới 664.200 đồng. Thông báo của nhà trường yêu cầu phụ huynh đăng ký mua sách cho con đăng ký với giáo viên chủ nhiệm trước ngày 15/5 (sách đã đăng ký không được trả lại).

Trên đây là ba trong số nhiều trường xảy ra tình trạng "bắt buộc" phụ huynh tự nguyện đăng ký mua sách chuẩn bị cho năm học tới 2022 - 2023. Điều đáng nói việc mua bán sách này ở các trường vẫn nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo.

Trong khi đó, giá của các bộ sách giáo khoa mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 chỉ dao động từ 177.000 đến 259.000 đồng/bộ. Giá niêm yết các bộ sách dùng trong năm học 2022 - 2023 tới (giá chưa bao gồm sách bài tập, sách tham khảo và sách tiếng Anh) - (đơn vị tiền: VNĐ) như sau:

Với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, việc phải mua cả “combo” sách giáo khoa kèm sách tham khảo, sách bổ trợ lên đến gần một triệu đồng là gánh nặng lớn.

Chị Phùng Diệu Thủy (35 tuổi, Hoàn Kiếm Hà Nội) bức xúc khi nhà trường đưa ra danh sách 26 đầu sách cần mua cho con học lớp 3 với giá gần 500.000 đồng, nhưng không ghi rõ sách giáo khoa bắt buộc, sách bài tập, sách tham khảo.

Việc nhà trường kê khai, thông báo cho phụ huynh tự nguyện nhưng hầu hết các lớp đều đăng ký 100% vì mỗi môn học lại học một đầu sách thuộc các nhà xuất bản khác nhau, nếu tự tìm mua rất khó khăn, lẻ tẻ. Chưa kể, nhiều năm nay, không ít giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập các môn trực tiếp trong sách bài tập trong khi đây là danh mục không bắt buộc phải mua.

"Sách tham khảo, bổ trợ, nhiều khi không dùng tới rất lãng phí, trong khi học phí tăng, giá cả thị trường tăng đang tạo ra gánh nặng lớn với phụ huynh. Các đơn vị quản lý cần quán triệt việc này nghiêm chỉnh hơn để dẹp bỏ tình trạng nhập nhèm trên", chị Thủy nói.

Bộ GD&ĐT cấm bán kém sách tham khảo

Ngày 10/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra chỉ thị yêu cầu trường học không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. Bộ cũng đồng thời quán triệt không vận động, tư vấn để phụ huynh mua những xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra quy định trên. Trong thông tư số 21/2014, Bộ đã quy định, nhưng dường như đều bị các cơ sở giáo dục phớt lờ và liên tiếp tái diễn trong nhiều năm qua.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào đầu tháng 6/2022, các đại biểu quốc hội cho rằng những năm qua quy định này chưa được thực hiện triệt để vì nhiều lý do.

Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông để người dân hiểu sách giáo khoa có hai loại, gồm sách bắt buộc và sách bổ trợ, tham khảo. Khi đó, tùy điều kiện và nhu cầu của mỗi học sinh, phụ huynh có thể quyết định mua hoặc không mua sách tham khảo.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/phu-huynh-buc-xuc-vi-van-phai-mua-sach-giao-khoa-kem-sach-tham-khao-ar683370.html