Phụ huynh cảnh giác xu hướng mới bóc lột và xâm hại trẻ em trên mạng
Kinhtedothi – Tại Hội thảo 'Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội', chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thông tin về những xu hướng mới nổi có nguy cơ làm tăng thêm số lượng và mức độ phức tạp của các vụ việc xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội”, ngày 24/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên môi trường mạng. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được Nhà nước quan tâm, xây dựng, tạo cơ sở pháp lý.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích cho con người, trẻ em cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, trẻ em cũng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, xâm hại trên môi trường mạng. Những nội dung, hình ảnh, clip liên quan đến hình ảnh của các con mà bị lợi dụng, phát tán khắp nơi có thể gây tổn thương dai dẳng, ám ảnh suốt cả cuộc đời.
Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Lesley Miller cũng cho rằng, internet cũng có những mặt tối, khiến trẻ em bị đối diện với nguy cơ bị bóc lột, xâm hại. Trẻ em bị bóc lột, xâm hại qua mạng ngày càng gia tăng, hàng ngàn trẻ em đối mặt với sự bắt nạt, quấy rối từ bạn bè. Thủ phạm thì ngày càng theo dõi trẻ em để tìm cách xâm hại; trong khi các em chia sẻ những hình ảnh trên mạng mà không nhận thức được rủi ro. Theo báo cáo nghiên cứu của UNICEF, cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạn trên môi trường mạng. Đáng lo ngại, ¾ trong số đó không biết thì kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Anh – Chuyên gia Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF chia sẻ, nhiều xu hướng mới nổi có nguy cơ làm tăng thêm số lượng và mức độ phức tạp của các vụ việc. Đồng thời làm trầm trọng thêm những thách thức đối với những người làm công tác bảo vệ trẻ em:
- Bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em – thông qua các tài liệu xâm hại tình dục trẻ em. Giờ đây, với internet, tội phạm có thể truy cập tài liệu này tương đối dễ dàng và trao đổi, chia sẻ giữa những người có chung sở thích mà không tốn phí.
- Nội dụng không phù hợp – trẻ em có thể vô tình hoặc cố ý tìm thấy tài liệu, nội dung độc hại, mang tính bạo lực, tình dục và không phù hợp với lứa tuổi, ví dụ như khuyến khích sử dụng ma túy, các hành vi có nguy cơ rủi ro cao,…
- Hành vi không phù hợp – người lớn và thậm chí trẻ em có thể sử dụng internet để quấy rối hoặc bóc lột người khác. Trẻ em tự gây nguy cơ cho mình thông qua việc chia sẻ thông tin cá nhân, bao gồm cả hình ảnh/video có nội dung tình dục do chính mình “tự sản xuất”; các em thiết lập các mối quan hệ, đặc biệt với người không quen biết ngoài đời thực mà không nhận thức được rủi ro/hậu quả…
- Tiếp xúc không phù hợp – cả người lớn và thanh thiếu niên để có thể sử dụng internet để tìm kiếm trẻ em hoặc những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương khác.
- Game trực tuyến, tính đến năm 2021 có khoảng 1,7 tỷ người chơi trò chơi trên địan thoại di dộng. Đối với những trò chơi thực sự phổ biến thì trẻ em là nhóm chính. Người chơi game thường xuyên chơi trò chơi đồng thời sử dụng các ứng dụng khác (trò truyện, phát trực tiếp) để tương tác. Tội phạm có thể liên lạc với những người trẻ tuổi bằng cách chơi trò chơi nhưng sau đó chuyển sang các ứng dụng khác để tiếp tục mồi chài, gạ gẫm họ.
Có nhiều trường hợp trẻ em tiếp xúc trực tuyến và trở thành đối tượng của xâm hại và bóc lột ngoại tuyến, tức là ngoài đời thực, thậm chí là buôn bán người.
Bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là một mối nguy hại không biên giới. Vấn nạn này liên tục phát triển và thường không được báo cáo đầy đủ về quy mô và mức độ. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, các chiến lược giải quyết vấn đề bắt nạt trực tuyến, xâm hại và bóc lột trên mạng phải là một hợp phần của các chiến lược bảo vệ trẻ em rộng hơn.
Bên cạnh đó, hợp tác và điều phối giữa các bên liên quan là chìa khóa thành công. Do đó, để bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả thì nhiều bên liên quan cần phải tham gia hành động như: Chính phủ, xã hội dân sự, các chuyên gia làm việc với trẻ em, cha mẹ và trẻ em, cơ quan truyền thông và khu vực tư nhân. Các DN cần tôn trọng quyền trẻ em, đồng thời ngăn chặn và khắc phục tình trạng vi phạm quyền của trẻ em liên quan đến môi trường kỹ thuật số.