Phụ huynh 'choáng' vì điều kiện dự tuyển vào lớp 6 của Trường Amsterdam phải có học bạ hoàn mỹ

Nhiều bậc phụ huynh sau khi đến trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nộp hồ sơ để dự tuyển cho con vào lớp 6 đã 'choáng' vì không được chấp nhận với lý do kết quả học tập một môn trong suốt cả 5 năm học cấp 1 chỉ đạt mức 'Hoàn thành'.

Năm nay, điều kiện để dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam yêu cầu học sinh phải có học bạ hoàn mỹ ngay từ năm lớp 1.

Cụ thể, ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, công văn đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2023 - 2024 ghi rõ "Học bạ tiểu học của học sinh được đánh giá thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và đào tạo, cụ thể: Học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên".

Bảng điểm toàn 10 nhưng hồ sơ dự sơ tuyển vẫn không được chấp nhận

Chia sẻ với PV báo SK&ĐS sau khi đến trường nộp hồ sơ để dự tuyển cho con vào lớp 6 Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, chị L.T.L (Hà Đông) tỏ ra khá thất vọng bởi trong cả 5 năm học cấp I, con chị chỉ bị duy nhất một môn ở mức "Hoàn thành" vậy mà hồ sơ của con chị bị loại ngay từ vòng "gửi xe".

"Trong học bạ của con tôi, chỉ duy nhất năm lớp 1 cháu bị môn Mỹ thuật ở mức "Hoàn thành", cả năm lớp 1 đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt các nội dung học tập", còn lớp 2, 3, 4, 5, cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện", vậy mà hồ sơ dự tuyển vào trường của con tôi không được chấp nhận".

Chị L. cho biết, không riêng gì trường hợp của con chị mà nhiều phụ huynh có con đi nộp hồ sơ dự tuyển cũng chung tình trạng như vậy. "Hầu hết hồ sơ của các con đều toàn điểm 10 nhưng vẫn bị loại vì chỉ dính một môn nào đó trong 5 năm học ở mức "Hoàn thành" là đều bị loại. Liệu có quá đáng quá không khi yêu cầu các con học sinh mới chỉ 10 tuổi phải hoàn hảo tất cả các môn từ Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đến cả các môn năng khiếu như Âm nhạc và Mỹ thuật trong suốt 5 năm"?, chị L. trăn trở.

'Việc đòi hỏi học sinh phải xuất sắc toàn diện là điều hết sức vô lý'

Liên quan việc xét tuyển vào lớp 6 của Trường Hà Nội - Amsterdam có hồ sơ gần như toàn điểm 10 vẫn bị loại, là một giáo viên dạy lớp 4 nhiều năm ở quận Thanh Xuân, cô H.V.H cũng cho rằng việc đòi hỏi học sinh phải xuất sắc toàn diện là điều hết sức vô lý và gây áp lực tới học sinh.

"Bản thân tôi là một giáo viên dạy cấp 1 hơn 10 năm nay, có thể dạy tốt các môn Toán, Tiếng Việt nhưng Tiếng Anh thì chưa được tốt hay tôi cũng không hát hay và vẽ đẹp. Vậy nên, theo tôi nhà trường chỉ nên xem điểm học bạ là một con số để tham khảo thôi, không nên là một tiêu chí trong việc xét tuyển như hiện nay. Hơn nữa, chỉ dựa vào học bạ để đánh giá năng lực của học sinh thì sẽ khó để đảm bảo chính xác và công bằng. Để có một học bạ hoàn hảo thì cũng có thể dẫn đến tình trạng chạy điểm, làm đẹp học bạ...".

Trượt vòng loại hồ sơ vì môn Mỹ thuật chỉ ở mức "Hoàn thành".

Trượt vòng loại hồ sơ vì môn Mỹ thuật chỉ ở mức "Hoàn thành".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), giải pháp cốt lõi bây giờ là phải đổi mới kiểm tra đánh giá một cách thực chất. Barem điểm đánh giá phải rõ ràng, đánh giá đến từ nhiều nguồn chứ không chỉ từ giáo viên.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, không chỉ đánh giá nhận thức mà quan trọng hơn phải là đánh giá cả thái độ và kỹ năng, năng lực. Cần kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng và trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày.

Ngoài ra, cần chú trọng sử dụng các bài tập xử lý tình huống được xây dựng trên cơ sở gắn kiến thức của bài học với thực tiễn đời sống, đặc biệt là những tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với học sinh. Tăng cường các câu hỏi mở gắn với thực tiễn trong các bài tập kiểm tra, đánh giá để học sinh được thể hiện phẩm chất và năng lực.

Việc đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia vào các hoạt động học tập, sinh hoạt ở trường, ở nhà và ở cộng đồng cần dựa trên phiếu nhận xét của giáo viên, học sinh, gia đình hoặc các tổ chức xã hội.

Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Kết quả đánh giá sau mỗi học kỳ và cả năm học đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Mỗi năm, điều kiện tuyển sinh vào lớp 6 của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lại có sự thay đổi.

Năm 2019, học sinh dự tuyển cần có học bạ lớp 3, 4, 5 đạt "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Lớp 1, 2 chỉ xét điểm của hai môn toán, tiếng Việt.

Năm 2020, học sinh phải đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện" ở lớp 2, 3, 4, 5. Tổng điểm sơ tuyển thí sinh phải đạt từ 137 điểm trở lên mới đủ điều kiện để tham gia vòng 2 - thi tuyển.

Năm 2021, học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh phải đảm bảo đủ điều kiện: Học bạ cuối năm các khối lớp từ 1 đến 5 đều đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên, trong đó, 2 năm học lớp 4 và 5 phải đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".

Năm 2022, học sinh dự tuyển cần có học bạ các năm lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-huynh-choang-vi-dieu-kien-du-tuyen-vao-lop-6-cua-truong-amsterdam-phai-co-hoc-ba-hoan-my-169230602171207554.htm