Phụ huynh, giáo viên nói gì về thông tin học sinh lớp 1 ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan?

Sự việc đáng tiếc trên xảy ra tại Trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thu hút sự quan tâm của dư luận suốt mấy ngày qua bởi lối hành xử cứng nhắc của người lớn vô tình gây ảnh hưởng tới học sinh lớp 1.

Trên mạng xã hội cách đây mấy ngày bất ngờ xuất hiện thông tin môt người phụ nữ xưng là mẹ của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, Hải Dương) phản ứng việc lớp có 32 học sinh thì chỉ có con mình không được ăn suất liên hoan cuối năm do không đóng quỹ phụ huynh. Dòng trạng thái bức xúc của người phụ nữ thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, sau đó có một số kênh truyền thông đã đưa thông tin (một chiều) gây ra sự nhiễu loạn trong dư luận xã hội.

Tại văn bản số 1077 ngày 27/5/2024, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nêu rõ sự việc liên quan tới nội dung liên hoan cuối năm xảy ra tại Trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Lúc này nhiều người mới biết rằng thông tin không đúng như sự lan truyền lúc đầu.

Mặc dù vậy sự việc học sinh lớp 1 bị kéo vào tình huống đáng tiếc này cũng tiếp tục dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Một số phụ huynh ủng hộ cách làm của giáo viên, cho rằng việc tổ chức liên hoan cần có sự đồng đều, nhưng cũng có ý kiến cho rằng giáo viên đã thiếu linh hoạt trong xử lý tình huống, dẫn đến tổn thương tinh thần của đứa trẻ mới là học sinh lớp 1.

Hành xử của người lớn ảnh hưởng tới đứa trẻ

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, chị Mai Anh (Tuyên Quang) có con đang học lớp 3 nói: “Mình không đồng tình với cách làm của người mẹ bởi việc đăng tải thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội theo suy nghĩ chủ quan là sai. Chưa kể, 100.000 đồng cũng không phải số tiền quá lớn để đóng cho con có một bữa liên hoan đủ đầy, vui cùng các bạn. Vì vậy, trong câu chuyện này, cô giáo chủ nhiệm không đáng bị chỉ trích bởi cô đã làm hết trách nhiệm đó là thông báo chi tiêu rạch ròi và hỗ trợ phụ huynh chuẩn bị đồ ăn cho các cháu rồi”.

Chị Mai Anh bộc bạch, bản thân sẵn sàng đóng thêm tiền vào quỹ cho các dịp liên hoan cuối năm hoặc các hoạt động ngoại khóa để con được vui và có thêm kỷ niệm với bạn bè: "Trẻ con thì ăn để vui là chính chứ mình thấy không cần thiết phải tính toán, so đo từng đồng”.

Đồng quan điểm với chị Mai Anh, chị Thu Hương (Vĩnh Phúc) có con trai học lớp 2, bày tỏ: “Mình thấy hành động của mẹ cháu bé còn quá nóng vội. Mình đồng ý với quan điểm rằng quỹ phụ huynh là tự nguyện. Tuy nhiên nếu không đóng tiền, người mẹ này có thể tới trường đón con hoặc có những cách làm khác để tránh gây ra sự khó xử cho cả đôi bên”.

Mặt khác, chị Hương nhận định vụ việc lần này cũng cho thấy giáo viên chưa đủ tinh tế: “Một suất ăn gà rán của các con không quá đắt, cô giáo có thể trích bớt một phần quỹ lớp, đồng thời trao đổi thêm với đại diện ban phụ huynh”.

Cùng quan điểm, chị Trương Huyền (Hà Nội) có con học lớp 5 nêu quan điểm: “Trong câu chuyện này đều có sự thiếu sót từ cả phụ huynh và giáo viên. Vì hai người đều xử sự không khéo nên đã khiến cho đứa trẻ bị tổn thương”.

Theo chị Huyền, trước khi phụ huynh của bé N. lên tiếng chỉ trích giáo viên chủ nhiệm, bản thân người mẹ này cần phải tự kiểm điểm vì chưa dành sự quan tâm đầy đủ cho con, không đóng góp quỹ để con bị lạc lõng giữa tập thể và vướng vào những ồn ào không đáng có, ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển của con cái sau này.

Tình yêu thương sẽ giúp những đứa trẻ trưởng thành và biết yêu thương mọi người. (Ảnh: NVCC)

Bài học cho phụ huynh và giáo viên

Trước nhiều tranh cãi nảy ra xung quanh vụ việc, chị Thục Vân - giáo viên một trường mầm non tư thục tại tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Trong trường hợp lần này rất khó để nói trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai bởi cá nhân nào cũng đều có một phần thiếu sót. Về phía người mẹ, khi đã ở trong môi trường tập thể như lớp học thì nên có sự đồng nhất và tôn trọng số đông. Nếu không đồng nhất được ý kiến hai bên, vị phụ huynh này nên bày tỏ quan điểm thay vì giữ im lặng” và nhấn mạnh thêm: “Về phía giáo viên, xét về lý thì không sai, tuy nhiên khi đứng từ góc độ nghề giáo thì cần có cách giải quyết khéo léo hơn”.

Hãy yêu thương và giữ gìn sự hồn nhiên của những đứa trẻ. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo cô giáo Thục Vân, cách hành xử trên của người lớn là thiếu tôn trọng con trẻ, ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý còn non nớt của học sinh khi bị đem ra làm “tâm điểm” bàn tán của dư luận. Mặt khác, tình huống trên có thể gây ra nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày trên lớp của em học sinh N.

Huyền Sâm

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/phu-huynh-giao-vien-noi-gi-ve-thong-tin-hoc-sinh-lop-1-ngoi-nhin-cac-ban-an-lien-hoan-d4609.html