Phụ huynh 'khoe' vở học tiếng Anh cùa học sinh lớp 3 khiến dân tình tranh cãi
Nội dung trong những trang vở khiến nhiều người bật cười, nhưng cũng dẫn tới những tranh cãi.
Ảnh minh họa
Trên một diễn đàn dành cho giáo viên, phụ huynh nọ đã đăng tải những bức ảnh chụp vở ghi của một học sinh. Hình ảnh rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam khiến không ít người bật cười nhưng cũng dẫn đến những tranh cãi.
Phụ huynh này viết: "Có thầy cô nào dạy tiếng Anh mà bảo học sinh viết cách đọc ra thế kia không ạ? Em nhìn thấy vở học thêm của 1 bé lớp 3 nên chụp lại, hỏi thì bé nói cô bảo viết như vậy để biết cách đọc. Các thầy cô và phụ huynh cho e xin ý kiến về vấn đề này với ạ".
Có thể thấy trong các trang vở và cả sách tiếng Anh, bên dưới các từ vựng tiếng Anh, học sinh này còn "phiên âm" ra tiếng Việt. Chẳng hạn: Thứ 2 (măn đây); Thứ 3 (tiu đây); Thứ 4 (Goét đây)... Với nhiều em học sinh hiện nay, có thể đây là cách học xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x chắc hẳn thấy rất quen thuộc bởi không ít người trong số đó từng phải ghi nhớ tiếng Anh theo cách "độc lạ" này.
Những bức hình của phụ huynh này sau đó nhận về hàng trăm bình luận với những ý kiến trái chiều. Một số ít giáo viên vẫn cho rằng cách "phiên âm" này "không sao" và họ vẫn cho phép học sinh của mình làm như vậy. Một giáo viên cho biết, với những bạn không được tiếp xúc với tiếng Anh sớm, mới học các con rất hay quên nên cũng đành phải cho viết cách này. Nhưng trên lớp cô vẫn luyện phát âm cho thật đúng, nên các bạn vẫn đọc chuẩn.
"Những bạn có điều kiện và học nhanh thì có thể học IPA (Bảng phiên âm tiếng Anh đầy đủ - International Phonetic Alphabet) trước, nhưng những bạn học kém, con nít thì hay ham chơi, sẽ dễ quên. Bố mẹ đầu tư cho con học bài bản từ đầu thì không nói gì, nhưng những em lười học, học kém thì cách như này cũng không phải là không tốt. Dạy mà biết kết hợp hình ảnh, bài hát, game thì mọi chuyện sẽ khác", một người nêu ý kiến.
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến trong diễn đàn đều không đồng tình với cách dạy này. Họ cho rằng, vấn đề này trong quá khứ và hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng có thể nhận ra, phần lớn người học theo kiểu cũ này không thể thực hiện giao tiếp với người nước ngoài hay nói mãi mà người ta không hiểu mình nói gì.
Cách "phiên âm" như vậy cũng khiến người học mất khả năng cảm âm, đồng thời chỉ chú ý cách phát âm tiếng Việt, sau này không nhớ nổi mặt chữ và không biết cách đọc. Thêm nữa sẽ bị mất các âm cuối, âm gió, nếu đi thi 4 kỹ năng thì không thể đậu nổi kỹ năng Speaking, đồng thời ảnh hưởng tới kỹ năng nghe vì học 1 đường người ta nói 1 nẻo nên khó càng khó.
Nói về vấn đề này, một giáo viên đưa ra quan điểm, ngành giáo dục đã nỗ lực đưa tiếng Anh vào cấp tiểu học, vậy tại sao không dạy cách đọc đúng cho các em ngay từ đầu, mà lại biến nó thành một phiên bản "kỳ cục" như thế?
Hơn nữa hiện nay, các nguồn tài liệu và tham khảo rất nhiều, chỉ cần học sinh chịu học và bố mẹ chịu đồng hành mà thôi. Học sinh cần được học đúng ngay từ đầu, nhất là ngôn ngữ, bởi khi đã học sai, lâu ngày sẽ rất khó sửa.
"Lời khuyên của tôi là nên dạy theo phiên âm chuẩn trong từ điển Oxford hoặc Cambridge để các em có thể chủ động học mọi lúc mọi nơi một cách độc lập. Nếu theo cách phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên, mà không biết cách tra từ điển để đối chiếu, thì đôi khi giáo viên phát âm sai, học sinh sẽ phát âm sai theo và sẽ nhớ mãi phát âm sai đó", giáo viên này chia sẻ.