Phụ huynh thức trắng đêm tranh suất vào lớp 10 cho con: 'Dù chỉ là tia hy vọng mong manh...'
Sau khi điểm chuẩn vào lớp 10 công lập Hà Nội được công bố thì 'cuộc chiến' giành suất vào lớp 10 của nhiều sĩ tử và phụ huynh chính thức bắt đầu.
Ảnh minh họa
Sau khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập Hà Nội năm 2023, trong tổng số 105.000 thí sinh đăng ký dự thi, có khoảng 33.000 học sinh thiếu may mắn không đủ điểm để vào trường THPT mong muốn. Khoảng thời gian này, phụ huynh và học sinh phải tìm những hướng đi khác phù hợp hơn cho bản thân. Và cũng từ đây, "cuộc chiến" giành suất vào lớp 10 cho con em của nhiều gia đình chính thức bắt đầu.
Nói đâu xa, trong 2 ngày 3 và 4/7 tại 3 điểm trường THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu, THCS - THPT Tạ Quang Bửu, ghi nhận tình trạng nhiều phụ huynh thức trắng đêm, ngồi "phục kích" trước cổng trường để nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Được biết, đây là những trường công lập tự chủ, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên được tuyển sinh theo đề án riêng.
Trải qua một đêm dài thao thức ngồi chờ tại trước cổng những ngôi trường này, có phụ huynh vui mừng vì cuối cùng con đã có thể vào được ngôi trường THPT mong muốn, nhưng cũng có một số người đã khóc do "chậm chân" trong cuộc chiến giành suất vào lớp 10 cho con.
Vì sao phải xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơn cho con?
Về vấn đề này, một giáo viên tại Hà Nội nhận định: "Trước tiên tôi muốn khẳng định rằng học sinh học trường công, trường tư, trường quốc tế... là đều như nhau, không có sự phân biệt vì các em đều được hưởng mọi quyền lợi một cách công bằng.
Tuy nhiên, có lẽ phần đông phụ huynh mong muốn con cái của mình được học tại các trường công hơn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ điều kiện kinh tế là lý do lớn nhất. Không phải ai cũng sẵn sàng chi ra tiền triệu, chục triệu hàng tháng để cho con học trường tư, trường quốc tế được. Do đó, việc học trường công thường là ưu tiên hàng đầu của nhiều phụ huynh".
Cô T.A (Hà Nội) - phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm ngoái khá đồng tình với quan điểm trên. Cũng từng trải qua cảm giác thấp thỏm, lo lắng trước kỳ thi chuyển cấp cực khốc liệt này cùng con, nên cô T.A hiểu rõ tâm trạng của phụ huynh thời điểm hiện tại.
"Nói đây là 'cuộc chiến' quả thực là không sai, bởi chẳng hạn thi đại học con không đủ điểm để vào trường top đầu, thì con vẫn có vô vàn lựa chọn vào các trường top dưới khác. Nhưng kỳ thi vào 10 tại Hà Nội là câu chuyện khác", vị phụ huynh này chia sẻ.
Còn về lý do phụ huynh mong muốn cho con học trường công lập thay vì trường tư, trường quốc tế..., cô T.A nhấn mạnh vào yếu tố điều kiện kinh tế. Chẳng hạn như gia đình cô, hai vợ chồng là công chức nhà nước bình thường, thu nhập hàng tháng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu hàng ngày, nếu phải bỏ ra cả chục triệu cho con học trường tư, hay trường quốc tế... chắc cô không kham nổi. Đã thế còn vô vàn chi phí học thêm, học nếm... khác nữa.
Sau tất cả, cô T.A thở thào: "May mắn là con cũng đã vượt qua được cuộc chiến này và vào được một trường công lập có chất lượng tốt".
Tương tự, cô Hoa (phụ huynh có con thi vào THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) năm nay tâm sự, ai cũng có kỳ vọng vào con cái, ai cũng muốn dành cái tốt nhất cho con mình. Vì môi trường là một trong những thứ quan trọng nhất để hình thành tính cách của con. Việc thức cả đêm để tranh suất vào lớp 10 giống như tình huống của nhiều phụ huynh những ngày qua suy cho cùng đều xuất phát từ tình thương và sự mong mỏi của phụ huynh dành cho con, nên nó hoàn toàn dễ hiểu.
Liệu có đáng?
"Tình thương" - động lực lớn nhất để các bậc phụ huynh làm những điều tốt đẹp cho con. Nhưng sau tất cả, việc cha mẹ phải thao thức cả đêm ngoài trời để tranh suất vào 10 cho con như vậy có đáng hay không, nhiều người đặt câu hỏi. Bởi suy cho cùng, ở tuổi 15, 16, các bạn nhỏ đã phần nào có thể tự lo liệu cho bản thân. Hơn nữa, mỗi ngôi trường đều có những ưu nhược điểm riêng.
"Đáng lắm chứ"- cô T.A nhấn mạnh. Dù nó chỉ một tia hy vọng mỏng manh nhất nhưng con có cơ hội được học tập ở một môi trường tốt hơn, cô vẫn sẽ hy sinh. Như đã đề cập ở trên, việc làm này xuất phát từ tình thương của bố mẹ dành cho con cái nên không có đúng hay sai, chỉ có phù hợp hay không theo quan điểm của mỗi người hay thôi.
Ngay kể cả khi được hỏi nếu cha mẹ luôn bao bọc con đến mức chúng trở thành một cậu bé Peter Pan (Hội chứng Peter Pan hay hội chứng Hoàng tử bé là một thuật ngữ trong ngành tâm lý học, trong đó, người mắc hội chứng này vốn là những người đã trưởng thành về tuổi tác lẫn ngoại hình, nhưng tâm lý, nhận thức và cách hành xử không khác gì trẻ con), cô T.A vẫn kiên quyết nói:
"Trong 'cuộc chiến' thi vào 10 này, các con hoàn toàn không có lỗi. Nếu cha mẹ cứ để con tự mình vùng vẫy một mình, tôi nghĩ mọi thứ sẽ càng tệ hại hơn".
Ngược lại, chị Diệp (sinh năm 1994, Hà Nội) nhớ lại ngày trước khi thi chuyển cấp vào cấp 3, chị dường như phải tự mình làm mọi thứ từ xem số báo danh, phòng thi, làm thủ tục hồ sơ nhập học... bố mẹ dường như không phải động tay động chân gì, còn giờ thì ngược lại, phụ huynh phải lo liệu cho con từ A-Z.
"Thậtra thì so sánh thời của 9X với 10X bây giờ cũng khập khiễng lắm. Nhưng mình thấy nó không đáng. Không biết bao giờ học sinh mới được là chính mình.Nhiều người mình quen kể lại con thi vào 10 bố mẹ phải nghỉ làm, rồi mất ăn mất ngủ, sút mấy cân vì quá lo lắng. Đôi khi bao bọc quá cũng không tốt cho sự tự lập của các con",chị Diệp bày tỏ.
Cũng theo chị, có nhiều con đường dẫn đến thành công, việc phải đi theo một lộ trình khác, thiếu ổn định hơn không có nghĩa là bạn sẽ không đi được đến cái đích cuối cùng. Thậm chí, lộ trình mới này có khi còn mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị hơn, đáng nhớ hơn. Tương tự như việc học trường công chưa chắc đã tốt hơn học trường tư, quan trọng là ở thái độ của người học.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?