'Phu lát đường' để Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học

Ý tưởng xây dựng và phát triển Quy Hòa theo mô hình khu đô thị khoa học được hình thành trên cơ sở thành công từ các hoạt động của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam do GS. Trần Thanh Vân đứng đầu, mà hạt nhân đầu tiên là ICISE. Đây là tiền đề quan trọng để định hướng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam.

Đoạn kết tham luận của TS. Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE, tại hội thảo “Định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam” ngày 5.7.2024 đã nhắc lại những lời khiêm nhường của GS. Trần Thanh Vân: “Tôi chỉ là một phu lát đường, con đường này còn dài thăm thẳm, nó sẽ dẫn đến một chân trời bao la. Các bạn trong và ngoài nước của Hội Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois đã đồng hành cùng Gặp gỡ Việt Nam xây dựng nền tảng khoa học tại Quy Nhơn, Bình Định. Như một đàn chim bay từ các chân trời xa, đã và đang tụ họp trên dải đất này của Việt Nam, nơi đất võ - trời văn Bình Định để cùng thế hệ trẻ Việt Nam “nhập bầy”, để cùng nhau bay cao hơn, bay xa hơn hướng về bầu trời nhân văn và khoa học. Bầy chim đó sẽ trở về đông đảo hơn tùy thuộc vào sự đón nhận và hợp tác chặt chẽ, bền vững của phía Việt Nam...”.

ICISE kiến tạo nền tảng khoa học cho Quy Nhơn

ICISE được khởi xướng và đóng góp quan trọng bởi vợ chồng GS. Trần Thanh Vân - GS. Lê Kim Ngọc. Ngày 12.8.2013, với sự hỗ trợ của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và các cơ quan ở trung ương, địa phương, ICISE đã khánh thành và đi vào hoạt động tại thung lũng Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.

Báo cáo tóm tắt hoạt động 30 năm Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm ICISE, GS. Trần Thanh Vân cho biết: “ICISE ra đời với ước nguyện là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết thông qua các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của khoa học, là điểm sáng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đẩy mạnh thêm cố gắng của Chính phủ về phát triển khoa học và đào tạo”.

Khu đất rộng 21,18 ha ở thung lũng Quy Hòa được Bình Định giao cho GS. Trần Thanh Vân thực hiện dự án ICISE, hiện đã kết nối với các khu vực xung quanh hình thành khu đô thị khoa học - nền tảng trọng yếu để Quy Nhơn có thể trở thành thành phố khoa học. Ảnh: CTV

Khu đất rộng 21,18 ha ở thung lũng Quy Hòa được Bình Định giao cho GS. Trần Thanh Vân thực hiện dự án ICISE, hiện đã kết nối với các khu vực xung quanh hình thành khu đô thị khoa học - nền tảng trọng yếu để Quy Nhơn có thể trở thành thành phố khoa học. Ảnh: CTV

Trong 10 năm hoạt động, ICISE đã tổ chức hơn 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; trong đó có 18 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học), 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học), 1 giáo sư đoạt giải Shaw (được xem là Nobel phương Đông), 1 giáo sư đoạt giải Dirac, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và Cino Delduca (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp), cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng khác...

“Với ý nghĩa, vai trò thực tiễn của hoạt động ICISE, trong các chuyến thăm và làm việc tại Bình Định của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng ý cho Bình Định xây dựng, phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là mô hình sáng tạo mới của Bình Định với mục đích phục vụ chủ yếu cho nghiên cứu khoa học, là nơi làm cầu nối đưa khoa học Việt Nam tiếp cận khoa học thế giới…” - TS. Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, cho biết.

ICISE được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một điểm sáng khoa học tại Đông Nam Á; là nơi gặp gỡ, giao lưu học thuật theo chuẩn quốc tế, góp phần kết nối các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học thế giới... TS. Dương Đình Giám (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương) nhận định: “Những hoạt động có hiệu quả của ICISE đã thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế uy tín đến Bình Định, tạo tiền đề cho sự phát triển một quần thể nghiên cứu khoa học đẳng cấp cao, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học...”.

Cần cơ chế đặc thù cho thành phố khoa học

Đề án “Phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm đưa Quy Nhơn thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước. Dự kiến Khu đô thị khoa học Quy Hòa nằm trong khu vực 2 của phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn trên diện tích 242 ha, phân thành 4 khu chức năng:

Khu nghiên cứu và phổ biến khoa học: 50 ha, dùng nghiên cứu khoa học, tập trung vào các ngành phục vụ công nghệ cao và các lĩnh vực ưu tiên khác, phổ biến và giáo dục khoa học cho công chúng. Khu này gồm có ICISE, Tổ hợp Không gian khoa học, Viện nghiên cứu Khoa học cơ bản quốc tế Quy Nhơn, Khu đào tạo chất lượng cao…

Khu thung lũng sáng tạo: 77 ha, bao gồm các công viên phần mềm, các công ty sản xuất, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin trong và ngoài nước, làng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Khu đô thị khoa học: 107 ha, bao gồm khu dân cư và các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở cho chuyên gia và người lao động làm việc tại đây...

Khu thương mại dịch vụ: 8 ha, xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ cho các nhu cầu cư dân thuộc khu đô thị.

“Đây là dự án thí điểm xây dựng và phát triển một khu đô thị khoa học đầu tiên của cả nước tại Bình Định mang tầm quốc gia, quốc tế. Với dự án có tính chất tạo động lực, làm cốt lõi này, Quy Nhơn sẽ trở thành một khu đô thị đa chức năng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đồng thời là một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học danh tiếng thế giới”, TS. Huyện phát biểu.

Từ trái: GS. Trần Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, GS. Gerard 't Hooft (giải Nobel Vật lý năm 1999) tham dự hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” ngày 7.8.2023 tại ICISE. Ảnh: CTV

Từ trái: GS. Trần Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, GS. Gerard 't Hooft (giải Nobel Vật lý năm 1999) tham dự hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” ngày 7.8.2023 tại ICISE. Ảnh: CTV

Hiện Bình Định có ICISE, Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IIRSE) thuộc ICISE - là nền móng cho một trung tâm nghiên cứu mang tầm quốc tế về sau. Tổ hợp Không gian khoa học đầu tiên của cả nước cũng đã được xây dựng. Bình Định còn là nơi được Công ty TMA Solutions chọn để xây dựng trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn FPT cũng muốn đưa Bình Định trở thành cái nôi của ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, các công ty phần mềm như FPT Software và TMA Solutions đã đặt trụ sở và xây dựng các công viên phần mềm tại Quy Hòa…

Theo TS. Giám, ý tưởng xây dựng và phát triển Quy Hòa theo mô hình khu đô thị khoa học được hình thành trên cơ sở thành công từ các hoạt động của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam do GS. Trần Thanh Vân đứng đầu, mà hạt nhân đầu tiên là ICISE. Ngay từ đầu, ý tưởng xây dựng một khu đô thị khoa học mang tầm cỡ quốc gia chứ không phải cho riêng địa phương Bình Định đã được các nhà hoạch định đưa ra. Do chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên đề án không được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt về xây dựng hạ tầng, hạ tầng nội khu, vì thế vẫn còn dang dở. Bình Định thiếu nguồn lực nên chưa giải phóng được mặt bằng theo quy hoạch.

“Thực tế cho thấy nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các hoạt động của ICISE sẽ vẫn tiếp tục diễn ra theo kế hoạch và thành công của ICISE hoàn toàn tùy thuộc vào nhiệt huyết và sự hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế. Nhưng nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước thì các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục đẳng cấp cao sẽ có điều kiện phát triển, kết nối với các hoạt động nghiên cứu, giáo dục khác trong khu vực và cả nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển”, TS. Giám chia sẻ.

Vợ chồng GS. Lê Kim Ngọc và GS. Trần Thanh Vân tại hội thảo “Định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam” ngày 5.7.2024. Ảnh: CTV

Vợ chồng GS. Lê Kim Ngọc và GS. Trần Thanh Vân tại hội thảo “Định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam” ngày 5.7.2024. Ảnh: CTV

TS. Huyện cho biết hiện nay cả về lý luận và thực tiễn đều chưa có sự thống nhất cao khái niệm thế nào là một thành phố khoa học. Thực tiễn phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam đã hình thành nhiều mô hình như: khu công nghệ cao, công viên phần mềm, tổ hợp khoa học - sản xuất, trường đại học trọng điểm… Tuy nhiên, Khu đô thị khoa học Quy Hòa là mô hình hoàn toàn mới.

“Ngày nay không chỉ các nước phương Tây và Mỹ mà hầu hết các quốc gia đều mong muốn tìm ra giải pháp phát huy các lợi thế về khoa học công nghệ của riêng mình, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững”, TS. Huyện nói. Một số hình mẫu về mô hình phát triển này đã được ghi nhận như: Hsinchu (Đài Loan - Trung Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Cyberjaya (Malaysia), Daejeon City (Hàn Quốc), One North (Singapore), Công viên Tam giác nghiên cứu (Hoa Kỳ), Công viên khoa học Sophia - Antipolis (Pháp), Công viên khoa học Cambridge (Anh)...

“Do vậy, đề nghị Đảng, Chính phủ có cơ chế đặc thù, tăng cường hỗ trợ nguồn lực để ICISE tiếp tục phát triển, đa dạng các hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, xây dựng Quy Nhơn thành một thành phố khoa học với tầm nhìn trong 20 - 30 năm nữa”, TS. Huyện đề xuất.

Cần có chính sách thực tế, “thực dụng” để thu hút nhà khoa học

Tham luận của PGS-TS. Nguyễn Tiến Trung (Trường Đại học Quy Nhơn) đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để góp phần đưa Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam. Cụ thể:

Bình Định cần có chiến lược dài hạn, rõ ràng về phát triển khoa học công nghệ, trong đó xác định rõ đặc trưng riêng có của tỉnh; thảo luận, ban hành kế hoạch cụ thể theo giai đoạn để thực hiện thành công chiến lược đặt ra. Cần có chính sách thực tế, “thực dụng” về thu hút nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia Việt kiều, đến công tác, làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.

Cần có chính sách riêng, đặc trưng thực sự thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tầm quốc gia và quốc tế về đầu tư tại tỉnh. Phải có ký kết về liên kết và hợp tác chặt chẽ, thực sự giữa chính quyền, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cùng nhau xây dựng định hướng khoa học công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ, chuyển giao và thương mại hóa; tập trung phát triển giáo dục phổ thông theo hướng STEM.

Xác định rõ và tập trung đầu tư vào các lĩnh vực khoa học công nghệ là thế mạnh, mũi nhọn, hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc để phát triển và phát triển bền vững như: nghiên cứu và ứng dụng AI, khoa học dữ liệu, IoT; vật liệu tiên tiến, vật liệu bán dẫn, nghiên cứu thiết kế và sản xuất chip (vật liệu bán dẫn và AI là linh hồn của chip, linh kiện điện tử); nghiên cứu về công nghệ sinh học, bảo tồn gen quý và ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu dược liệu, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh...

Cùng Trường Đại học Quy Nhơn, Viện nghiên cứu cao cấp về toán, ICISE thành lập và xây dựng ngay Viện nghiên cứu Khoa học cơ bản quốc tế Quy Nhơn. Thời gian đầu lấy nhân lực chất lượng cao, uy tín từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và mời các nhà khoa học uy tín Việt kiều về chủ trì các nhóm nghiên cứu. Có chính sách khác biệt thực sự để họ yên tâm công tác và định cư tại Quy Nhơn.

Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là tổ chức phi chính phủ (NGO), phi lợi nhuận, thành lập từ năm 1993 với mục đích chính là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam.

Người sáng lập, đồng thời là chủ tịch Hội từ đó đến nay là GS. Trần Thanh Vân - giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Ông là người thứ hai của Pháp và là người gốc Á thứ ba được Hội Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate năm 2012 dành cho những đóng góp dẫn dắt ngành vật lý của thế giới trong nhiều thập niên; được Chính phủ Pháp trao Huân chương Công trạng Quốc gia năm 1995 và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 1999; Chủ tịch Nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 2015...

Phạm Tuấn - Nguyễn Hữu

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phu-lat-duong-de-quy-nhon-tro-thanh-thanh-pho-khoa-hoc-44620.html