Phú Lộc-niềm tự hào và động lực vươn lên

Phú Lộc, vùng đất anh hùng thuộc huyện Nho Quan không chỉ nổi tiếng với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, mà còn là một trong những biểu tượng của tinh thần kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã ghi dấu những chiến công to lớn của quân dân ta; được công nhận là xã An toàn khu và trở thành 'địa chỉ đỏ'-nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngày nay, Phú Lộc đang vươn mình mạnh mẽ, hòa nhịp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Đoàn viên, thanh niên xã Phú Lộc (Nho Quan) nghe các Cựu chiến binh nói chuyện về truyền thống lịch sử tại Di tích cầu Rịa.

Đoàn viên, thanh niên xã Phú Lộc (Nho Quan) nghe các Cựu chiến binh nói chuyện về truyền thống lịch sử tại Di tích cầu Rịa.

Những trang sử hào hùng

Từ những ngày đầu cách mạng, người dân Phú Lộc đã một lòng theo Đảng, cùng Nhân dân cả nước vùng lên đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, giành lại tự do. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, chi bộ Đảng được thành lập, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ xã Phú Lộc sau này (tháng 7/1964).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân kiên cường chiến đấu với tinh thần “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, góp phần vào những chiến thắng vang dội như Tây Nam Ninh Bình và Điện Biên Phủ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phú Lộc giữ vị trí chiến lược quan trọng, trở thành nơi tập kết, trú quân và sơ tán của nhiều đơn vị quân đội. Các đơn vị chủ lực chi viện cho chiến trường miền Nam đều đi qua hoặc dừng chân tại đây. Địa bàn xã cũng là nơi đóng quân của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 320B), tiểu đoàn tên lửa, các đại đội pháo cao xạ bảo vệ cầu Rịa, kho đạn và kho lương thực.

Do đó, Phú Lộc trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Trước bom đạn và hiểm nguy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Phú Lộc không hề nao núng. Họ vừa hăng say lao động sản xuất, vừa dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, đảm bảo huyết mạch giao thông chi viện cho miền Nam, góp phần đánh bại đế quốc Mỹ.

Tiêu biểu như: Ngày 5/8/1965, máy bay Mỹ ném bom cầu Rịa, một vị trí quan trọng trên tuyến vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Chỉ trong một đêm, Đảng bộ xã đã huy động đảng viên, dân quân du kích, thanh niên và Nhân dân san lấp hai hố bom với hàng nghìn khối đất đá, kịp thông xe ra chiến trường.

Sau một tuần, ngày 12/8/1965, địch tiếp tục ném bom đánh phá trận thứ hai, Đảng bộ và Nhân dân trong xã vẫn kiên cường khắc phục hậu quả, giữ vững “mạch máu” giao thông, phục vụ chiến trường. Tháng 10/1965, chỉ trong 1 đêm, các lực lượng dân quân du kích và thanh niên xã đã vận chuyển 2.000 phi xăng lên xe vận tải chuyển vào chiến trường an toàn.

Ngoài ra, thời gian này Nhân dân trong xã còn tham gia ngụy trang cho trận địa tên lửa trên địa bàn; huy động hàng tấn lương thực, thực phẩm, nấu nước phục vụ bộ đội... Để bảo vệ các đơn vị đóng quân trên địa bàn xã, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tăng cường lực lượng dân quân du kích, phối hợp với bộ đội đánh trả nhiều trận oanh tạc của máy bay Mỹ.

Với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ xã đã lãnh đạo huy động người và lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam; đã có hàng trăm thanh niên trong xã viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội vào miền Nam mang theo khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Phú Lộc đã tiễn đưa 681 người vào Nam đánh Mỹ; có 250 người tham gia phục vụ dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; 606 gia đình có con đi bộ đội. Toàn xã có 100 liệt sĩ. Nhân dân đã đóng góp cho nhà nước 2.500 tấn lương thực, 1.670 tấn thực phẩm. Những hi sinh, cống hiến cao cả của quân và dân xã Phú Lộc đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mảnh đất này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất và là niềm tự hào của người dân Phú Lộc.

Với những thành tích xuất sắc đó, Đảng bộ và Nhân dân Phú Lộc đã được Đảng, Nhà nước tặng hàng trăm huân, huy chương các loại. Năm 2018, Phú Lộc được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Truyền thống lịch sử vẻ vang của thế hệ cha ông là động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Phú Lộc tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Vững bước xây dựng quê hương

Về Phú Lộc hôm nay, có thể thấy rõ sức sống mới đang trỗi dậy mạnh mẽ trên mảnh đất này với những con đường lớn trải nhựa, những ngôi nhà khang trang mọc lên, những cánh đồng xanh mướt trải dài... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Phú Lộc đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn giành nhiều thành tích quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền xã Phú Lộc tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; vận động người dân kết hợp trồng lúa nước với nuôi các loại thủy sản, thủy cầm cho năng suất cao; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng trang trại, gia trại,… Đồng thời, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 83 triệu đồng/người. Đặc biệt, Đảng ủy, Chính quyền xã lãnh đạo Nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, 100% tuyến đường trên địa bàn xã đã được cứng hóa bê tông và trải nhựa; 100% tuyến đường có hệ thống đường điện chiếu sáng; 100% thôn có nhà văn hóa; 6/15 thôn được công nhận NTM kiểu mẫu; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia; 95% gia đình đạt gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,6%.

Trong năm 2025, xã phấn đấu có thêm 6 thôn đạt NTM kiểu mẫu; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội, lan tỏa giá trị nhân văn và trở thành nét đẹp trong cuộc sống…

Tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Lộc giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Đinh Thị Nhâm, Bí thư Đoàn xã chia sẻ: “Với vai trò là Bí thư Đoàn xã, tôi luôn tâm niệm phải phát huy những giá trị lịch sử hào hùng của quê hương. Đoàn Thanh niên xã thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, mời các cựu chiến binh, bậc cao niên chia sẻ về lịch sử địa phương, nhằm khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm trong mỗi đoàn viên. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa như: dọn vệ sinh nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...

Truyền thống cách mạng của cha ông chính là động lực để thế hệ trẻ nỗ lực học tập, rèn luyện, chung sức xây dựng quê hương Phú Lộc ngày càng giàu đẹp”. Những thành tựu đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân nơi đây, là kết quả của sự kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha ông.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Phú Lộc đang nỗ lực tận dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển. Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, Phú Lộc sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống của xã An toàn khu anh hùng.

Bài, ảnh: Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phu-loc-niem-tu-hao-va-dong-luc-vuon-len-465793.htm