Phú Lợi phát triển mô hình liên kết cho cây sầu riêng

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ngày càng tăng, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trồng loại cây này. Tuy nhiên, để cây sầu riêng phát triển bền vững, cần mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất theo hướng sạch, cũng như kết nối đầu ra ổn định.

Nông dân xã Phú Lợi ràng trái để tránh sầu riêng gãy, rụng khi vào mùa mưa. Ảnh: Đ.Nhi

Nông dân xã Phú Lợi ràng trái để tránh sầu riêng gãy, rụng khi vào mùa mưa. Ảnh: Đ.Nhi

Tại xã Phú Lợi (huyện Định Quán) đang phát triển mô hình liên kết đối với cây sầu riêng theo hướng VietGAP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp ở địa phương, cũng như đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Chú trọng trồng sầu riêng theo hướng VietGAP

Sầu riêng là một trong những loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Nắm bắt xu hướng của thị trường, vào năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (ngụ ấp 5, xã Phú Lợi) đã mạnh dạn trồng 1 hécta sầu riêng Thái, sau đó nhân rộng diện tích loại cây trồng này mỗi năm. Đến nay, gia đình ông có gần 5 hécta sầu riêng Thái và Ri6, trong đó có 3 hécta cho thu hoạch.

Là người ham học hỏi, ông Hạnh đã tìm tòi, tham gia các lớp tập huấn canh tác sầu riêng theo hướng bền vững, áp dụng kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng. Đồng thời, ông cũng tham gia mô hình liên kết sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2024, giá bán sầu riêng tăng cao, lợi nhuận thu về của gia đình ông Hạnh đạt khoảng 900 triệu đồng/hécta. Năm nay, còn hơn một tháng nữa vườn nhà ông mới đến thời điểm thu hoạch rộ. Hiện tại, cả gia đình đang tập trung chăm sóc, bón phân, ràng trái để tránh sầu riêng gãy, rụng khi gặp mưa, dông lốc đầu mùa.

Ông Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ, trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP cần tuân theo tiêu chuẩn, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phải sử dụng đúng liều lượng và được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng rõ ràng. Việc đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp sầu riêng kết nối với nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu và lượng tiêu thụ ổn định hơn.

Cũng như ông Nguyễn Văn Hạnh, khoảng 5 năm trước, anh Trần Khì Sầu (ngụ xã Phú Lợi) đã chuyển đổi diện tích trồng cà phê, tiêu của gia đình sang trồng sầu riêng. Hiện tại, vườn nhà anh Sầu có nhiều giống sầu riêng như: Ri6, Musaking… Anh Sầu vừa làm, vừa học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để chăm sóc, phát triển diện tích trồng sầu riêng.

Anh Trần Khì Sầu cho biết: “Sầu riêng là cây trồng “khó tính” nhưng bù lại cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây truyền thống dài ngày như: điều, cà phê, tiêu… Điều lưu ý nhất đối với cây sầu riêng là khi thụ phấn cần căn được lượng nước, tưới đúng ngày. Khi mình thụ phấn xong thì mới từ từ tăng lượng nước tưới lên thì trái sẽ đậu đẹp. Đến khi trái lớn, cần hạn chế tình trạng trái chưa già đã rụng, bởi sẽ làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế”.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lợi NGUYỄN CÔNG QUÁN cho hay, định hướng tới đây, xã sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân và những hộ liền kề những vườn sầu riêng thành lập chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng của cây sầu riêng, từng bước phát triển ổn định cho sản phẩm sầu riêng của địa phương.

Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả cây trồng

Những năm gần đây, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện Định Quán nói riêng tăng nhanh bởi giá trị kinh tế mà loại cây trồng này mang lại. Nếu như năm 2020, toàn huyện chưa có đến 865 hécta, thì đến nay diện tích sầu riêng đạt gần 2,9 hécta, trong đó có hơn 1,9 ngàn hécta diện tích cho sản phẩm.

Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng đã rõ, thế nhưng việc phát triển diện tích nhanh đang đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển bền vững đối với loại cây trồng này.

Theo UBND huyện Định Quán, huyện đã triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có chuỗi liên kết sầu riêng tại xã Phú Lợi.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lợi Nguyễn Công Quán chia sẻ, trên địa bàn xã đang phát triển diện tích trồng cây sầu riêng khá lớn. Xã xác định sầu riêng là một trong các loại cây trồng chủ lực để phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, qua công tác tuyên truyền và hỗ trợ cho người nông dân theo Đề án Phát triển nông nghiệp của huyện đối với loại cây trồng này, trong 3 năm qua, toàn xã đã phát triển được 347 hécta sầu riêng liên kết với các doanh nghiệp như: An Lộc Phát, Tân Hoàng Linh… Đến nay, đã có 17 hộ với 30 hécta sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng. Trong đó, đã có 5 hộ được đưa vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 12,4 hécta. Còn lại khoảng 30 hộ với 60 hécta đã liên kết sản xuất và thành lập một hợp tác xã nông nghiệp chuyên về cây sầu riêng.

Anh Trần Khì Sầu bày tỏ, hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng hiện vẫn còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên giá cả còn biến động, tùy vào từng thời điểm khác nhau. Do đó, anh mong muốn được mở rộng kết nối thị trường, tìm đầu ra ổn định, hy vọng “trúng mùa, trúng giá” cho sản phẩm sầu riêng tại địa phương, nhất là khi thị trường đang có nhiều biến động trong thời gian gần đây.

Lam Phương - Lê Điểm - Đan Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202505/phu-loi-phat-trien-mo-hinh-lien-ket-cho-cay-sau-rieng-cdd61cc/