Thương vụ nêu kỳ vọng từ chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại.

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, ông Vũ Anh Sơn - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Pháp cũng như triển vọng, kỳ vọng sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Pháp.

Ông Vũ Anh Sơn trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Pháp

Ông Vũ Anh Sơn trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Pháp

Từ địa bàn sở tại, ông có thể đánh giá về mức tăng trưởng thương mại hai nước Việt Nam - Pháp trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2024?

- Tham tán Vũ Anh Sơn: Hai nước Việt Nam - Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, đây được xem là cú huých cho thương mại hai bên. Từ năm 2013 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã chứng kiến bước nhảy vọt ấn tượng.

Thương mại hai nước tăng từ 3,8 tỷ USD năm 2013 lên xấp xỉ 4,1 tỷ USD vào năm 2014. Đến năm 2016, kim ngạch đã chạm mốc 5 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng mạnh để đạt gần 6,5 tỷ USD vào năm 2018. Như vậy, chỉ sau 5 năm (2013 - 2018), kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Pháp đã tăng gần 70%. Đây không chỉ là minh chứng cho hiệu quả của cơ chế hợp tác cấp cao mà còn cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu, đặc biệt là Pháp.

Năm 2020 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ thương mại hai bên khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Giai đoạn 2021 - 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,1 tỷ lên 7,5 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 23% so với đầu giai đoạn và đã vượt qua đỉnh trước dịch (6,5 tỷ USD năm 2019).

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan mà còn thúc đẩy cải cách về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng quản lý hàng hóa, mở rộng tiếp cận các dịch vụ logistics, tài chính và bảo hiểm. Nhờ đó, các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy sản... ngày càng được đón nhận rộng rãi tại Pháp, từ đó tạo đà lan tỏa thuận lợi sang các thị trường EU khác.

Sau 11 năm, từ 2013 - 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Pháp đã tăng từ khoảng 3,8 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD. Ảnh: Bình Dương

Sau 11 năm, từ 2013 - 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Pháp đã tăng từ khoảng 3,8 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD. Ảnh: Bình Dương

Như vậy, sau 11 năm, từ 2013 - 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Pháp đã tăng từ khoảng 3,8 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD. Quy mô thương mại song phương nhờ vậy duy trì đà tăng trưởng bền vững với tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) đạt khoảng 6,5% mỗi năm.

Việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” năm 2024 không chỉ củng cố liên kết chính trị - ngoại giao mà còn khởi động giai đoạn hợp tác kinh tế - thương mại sâu rộng hơn.

Thương mại Việt - Pháp: Đòn bẩy từ lĩnh vực tiềm năng

Thưa ông, dù kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, song theo đánh giá, mức tăng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai bên. Vậy đâu là nguyên nhân?

- Tham tán Vũ Anh Sơn: Một rào cản lớn là các quy định phi thuế quan của EU. Mặc dù Hiệp định EVFTA đã xóa bỏ phần lớn thuế quan, hàng hóa Việt Nam vẫn phải trải qua quá trình chứng nhận chất lượng, kiểm định an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ.

Thủ tục phức tạp và thời gian chờ đợi lâu khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị vừa và nhỏ chùn bước. Đây có thể nói là rào cản rất lớn, khiến doanh nghiệp Việt Nam khó xây dựng được chiến lược, định hướng xuất khẩu vào Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Bên cạnh đó, chi phí logistics vẫn còn là “gánh nặng” đáng kể. Khoảng cách địa lý xa, thiếu hụt các tuyến vận tải chuyên tuyến, kho lạnh và hệ thống trung chuyển hiệu quả khiến chi phí vận chuyển và lưu kho tăng cao, thời gian giao nhận kéo dài. Trong khi đó, những đối thủ cạnh tranh ngày càng tối ưu được chuỗi cung ứng, tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên hàng Việt.

Mặt khác, thương mại dịch vụ và đầu tư trực tiếp song phương vẫn chưa phát triển tương xứng với thương mại hàng hóa. Các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, logistics hay chuyển giao công nghệ mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, còn thiếu những dự án lớn mang tính chiến lược.

Sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai bên trong chuỗi giá trị toàn cầu chưa được khai thác triệt để, làm giảm cơ hội gia tăng giá trị gia công và chế biến sâu ngay tại Việt Nam.

Cuối cùng, dù EVFTA mở ra khung khổ ưu đãi rõ ràng, nhưng lộ trình dỡ bỏ thuế quan kéo dài tới năm 2030 vẫn có khoảng 0,3% dòng thuế EU nhập khẩu từ Việt Nam chưa được xóa bỏ hoàn toàn hoặc đang áp dụng hạn ngạch. Cùng với đó, việc nắm bắt và tận dụng các ưu đãi còn chậm do thiếu kinh nghiệm trong cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông, hai nước Việt Nam - Pháp cần đẩy mạnh những lĩnh vực hợp tác nào để nâng kim ngạch thương mại song phương, cũng như tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại Pháp?

- Tham tán Vũ Anh Sơn: Thứ nhất, nông - thủy sản, thực phẩm chế biến được đánh giá có dư địa rất lớn. Người tiêu dùng Pháp ngày càng quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng - đây chính là thế mạnh của Việt Nam với các loại nông sản nhiệt đới như rau củ quả tươi, trái cây (xoài, thanh long, bưởi, vải thiều...), gạo hữu cơ và các sản phẩm thủy hải sản chất lượng cao như tôm, cá tra, cá ngừ. Bên cạnh đó, cà phê, trà và các sản phẩm chế biến từ hạt điều, gia vị cũng đang ngày càng được người tiêu dùng châu Âu yêu thích.

Thứ hai, nhờ lợi thế từ EVFTA, dệt may và giày dép tiếp tục là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn tại Pháp.

Thông qua EVFTA, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Pháp. Ảnh: Nguyên Hương

Thông qua EVFTA, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Pháp. Ảnh: Nguyên Hương

Thứ ba, ngoài các lĩnh vực truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể mở rộng hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác Pháp thông qua đầu tư và hợp tác kinh doanh với đối tác Pháp, qua đó tận dụng tối đa lợi thế thị trường châu Âu và nâng tầm giá trị doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể lưu ý đến các ngành: Công nghệ và đổi mới sáng tạo; công nghiệp chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao; logistics và dịch vụ hậu cần...

Việc mở rộng đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Pháp không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thương mại thuần túy mà còn bao phủ nhiều ngành nghề mang giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ và mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ba kỳ vọng từ chuyến thăm của Tổng thống Macron

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 - 27/5. Từ nước sở tại, ông kỳ vọng thế nào về dấu mốc quan trọng này, nhất là đối với quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hai nước Việt - Pháp, thưa ông?

- Tham tán Vũ Anh Sơn: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới đây diễn ra trong bối cảnh rất thuận lợi, ngay sau khi hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực lớn cho hợp tác thương mại Việt Nam - Pháp, mở ra nhiều cơ hội mới để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại.

Thứ nhất, thúc đẩy thực chất cam kết đối tác chiến lược toàn diện

Trước hết, chuyến thăm của Tổng thống Macron sẽ thúc đẩy việc triển khai thực chất và hiệu quả các cam kết đã được thống nhất trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện. Các cuộc gặp cấp cao trong chuyến thăm dự kiến sẽ đặt nền tảng quan trọng để hai bên nhanh chóng triển khai các cơ chế hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việc này không chỉ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp tận dụng tốt nhất những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA mà còn khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Pháp vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng xanh, chuyển đổi số, logistics hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại. Ảnh: Nguyên Hương

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại. Ảnh: Nguyên Hương

Thứ hai, giải quyết rào cản phi thuế quan và thủ tục.

Chuyến thăm cũng tạo cơ hội để các cơ quan chức năng hai nước giải quyết các vấn đề còn tồn tại về rào cản phi thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường năng lực logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai bên.

Sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn nữa thị trường Pháp và rộng hơn là thị trường chung EU.

Thứ ba, là diễn đàn doanh nghiệp và kết nối chuỗi giá trị.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước sẽ tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, sự kiện này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới như dịch vụ tài chính, du lịch văn hóa, logistics và công nghệ số. Những hợp tác này không chỉ dừng lại ở xuất nhập khẩu mà sẽ mở rộng sang các hình thức đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Có thể nói, chuyến thăm của Tổng thống Macron tới đây cũng sẽ tạo dấu ấn chính trị đặc biệt quan trọng, khẳng định sự tin cậy chiến lược và quyết tâm của cả hai bên trong việc đưa hợp tác kinh tế - thương mại song phương lên tầm cao mới.

Với nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và Hiệp định EVFTA đang được triển khai sâu rộng, kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt và vượt mốc 15 tỷ USD vào năm 2030.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hiệp định EVFTA đã và đang củng cố cho thương mại hai nước Việt Nam - Pháp. Giai đoạn 2021 - 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,1 tỷ lên 7,5 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 23% so với đầu giai đoạn và đã vượt qua đỉnh trước dịch (6,5 tỷ USD năm 2019).

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan mà còn thúc đẩy cải cách về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng quản lý hàng hóa, mở rộng tiếp cận các dịch vụ logistics, tài chính và bảo hiểm. Nhờ đó, các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy sản... ngày càng được đón nhận rộng rãi tại Pháp, từ đó tạo đà lan tỏa thuận lợi sang các thị trường EU khác.

Hoàng Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-vu-neu-ky-vong-tu-chuyen-tham-cu-a-tong-thong-phap-toi-viet-nam-389020.html