Phú Lương khai thác thế mạnh, phát triển sản phẩm OCOP

Để xây dựng các sản phẩm OCOP dạng trà túi lọc, thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển cây chè và các loại cây dược liệu. Từ đó sản xuất các sản phẩm trà dạng túi lọc đạt chứng nhận OCOP, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn.

Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Phong, ở xã Yên Trạch (Phú Lương) vừa đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất trà mướp đắng rừng. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã đóng gói sản phẩm trà mướp đắng rừng.

Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Phong, ở xã Yên Trạch (Phú Lương) vừa đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất trà mướp đắng rừng. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã đóng gói sản phẩm trà mướp đắng rừng.

Bà Hoàng Thị Ngân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có trên 4.100ha chè và khoảng 20ha cây dược liệu các loại. Từ năm 2017 trở về trước, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện đã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm trà túi lọc từ cây chè, nhưng số lượng chưa nhiều.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về phát triển sản phẩm OCOP, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các xã, thị trấn và các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, trong đó có các loại trà. - Bà Hoàng Thị Ngân

Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ các chủ thể tham gia lớp tập huấn về phát triển các dòng sản phẩm trà, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn hỗ trợ về tem mác, bao bì sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm trà được công nhận OCOP 4 sao… Từ năm 2021, huyện Phú Lương đã có sản phẩm trà túi lọc đầu tiên của HTX chè an toàn Khe Cốc được chứng nhận OCOP 3 sao.

Không chỉ xây dựng và phát triển các sản phẩm trà túi lọc từ cây chè, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện cũng chú trọng phát triển các sản phẩm trà từ nhiều loại cây dược liệu. Công ty CP V-Ginseng, ở xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh, là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển sản phẩm trà từ cây sâm Bố Chính.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty CP V-Ginseng: Công ty hiện có 20ha vùng nguyên liệu trồng cây sâm Bố Chính đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất với 40 hộ dân tại 2 huyện Phú Lương, Đồng Hỷ. Thời gian qua, chúng tôi chú trọng đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm trà từ cây sâm Bố Chính.

Đến nay, sản phẩm trà hoa sâm của Công ty CP V-Ginseng đã được chứng nhận OCOP 4 sao, trà sâm Bố Chính được chứng nhận OCOP 3 sao. Các dòng sản phẩm trà này có tính tiện dụng cao, được khách hàng phản hồi tốt bởi không cần cầu kỳ trong pha chế mà sản phẩm vẫn giữ nguyên được hương vị vốn có. Hiện nay, Công ty bán ra thị trường từ 1.000-2.000 hộp trà/tháng (tăng gấp đôi so với trước đây).

Bà Nguyễn Thị Hằng (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Công ty CP V-Ginseng, ở xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh (Phú Lương) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm trà hoa sâm.

Bà Nguyễn Thị Hằng (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Công ty CP V-Ginseng, ở xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh (Phú Lương) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm trà hoa sâm.

Còn tại xã Yên Trạch, HTX nông nghiệp Tiên Phong đã khai thác lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để trồng mướp đắng rừng. Từ loại cây này, bên cạnh việc chế biến quả mướp đắng rừng dạng sấy khô, HTX còn nghiên cứu sản xuất trà mướp đắng rừng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiên Phong: Cuối năm 2024, HTX đã đầu tư trên 500 triệu đồng để xây dựng, mở rộng nhà xưởng sản xuất rộng gần 200m2. Đồng thời, đầu tư thêm các loại máy móc hiện đại như máy sấy, máy đóng gói túi trà, máy nghiền… để phục vụ sản xuất trà mướp đắng dạng túi lọc. Cũng trong năm vừa qua, sản phẩm trà mướp đắng rừng của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao và là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Ngoài các doanh nghiệp, HTX nêu trên, ở huyện Phú Lương còn nhiều đơn vị khác cũng ưu tiên phát triển sản phẩm trà từ cây chè và cây dược liệu, như HTX chè Hoan Xuyến, Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK (chuyên sản xuất các sản phẩm từ dây thìa canh, trong đó có trà dây thìa canh)… Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương, tạo ra các sản phẩm trà có giá trị, chất lượng cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Bà Hoàng Thị Ngân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chương trình OCOP của địa phương để bà con hiểu rõ về những lợi ích, giá trị của chương trình mang lại, từ đó chú trọng đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm trà túi lọc; hỗ trợ các chủ thể sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường. Cùng với đó là tổ chức kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, chứng nhận để bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm…

Trà túi lọc là những loại trà được bao bọc bằng một chiếc túi giấy lọc nhỏ hoặc bằng vải lọc, giúp giữ lại bã trà trong quá trình sử dụng, đồng thời giúp lưu giữ hương thơm của trà lâu hơn. Trà túi lọc được làm từ chè xanh hoặc nhiều loại thảo dược khác nhau, mỗi loại thảo dược có công dụng riêng.

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/phu-luong-khai-thac-the-manh-phat-triensan-pham-ocop-ab61bec/