Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam và Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc giao lưu với sinh viên ĐHQGHN
Ấn tượng về kỹ năng nói và trình bày các bài hát tiếng Trung của học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Giáo sư Bành Lệ Viên nhấn mạnh các sinh viên Việt Nam rất thông minh, cần cù, hiểu biết nhiều về Trung Quốc.
Ngày 13/12, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Phan Thị Thanh Tâm, Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo sư Bành Lệ Viên, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi giao lưu với sinh viên ĐHQGHN.
Sinh viên Việt Nam rất thông minh, cần cù, hiểu biết nhiều về Trung Quốc
Trong buổi giao lưu, hai Phu nhân đã nghe các sinh viên đang theo học chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc thể hiện tình cảm, sự hiểu biết của mình về đất nước Trung Quốc và mối tình hữu nghị Việt-Trung.
Các sinh viên bày tỏ mong muốn thông qua việc học tập ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa Trung Quốc sẽ trở thành cầu nối hữu nghị, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai Phu nhân đã xem các tiết mục văn nghệ, nghe các bài hát Việt Nam, Trung Quốc do các bạn sinh viên trình bày.
Ấn tượng về kỹ năng nói và trình bày các bài hát tiếng Trung của học sinh, sinh viên ĐHQGHN, Giáo sư Bành Lệ Viên nhấn mạnh, các sinh viên Việt Nam rất thông minh, cần cù, hiểu biết nhiều về Trung Quốc.
Theo Giáo sư Bành Lệ Viên, ngôn ngữ là cầu nối trong trao đổi hằng ngày và học tiếng Trung Quốc sẽ mang đến cho các sinh viên Việt Nam những hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người và văn hóa Trung Quốc cũng như sinh viên Trung Quốc nếu học tiếng Việt sẽ có lợi để họ tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Được biết Việt Nam hiện đã đưa tiếng Trung Quốc vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, Giáo sư Bành Lệ Viên tin tưởng tình hữu nghị giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu, việc học tiếng Trung Quốc sẽ trở thành một ngành học thu hút đông người theo học ở Việt Nam.
Giáo sư Bành Lệ Viên khẳng định: “Thanh niên là nhân tài xây dựng đất nước trong tương lai, cũng là người nối nghiệp công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở hai nước, tôi mong muốn các bạn sinh viên Việt Nam sẽ tăng cường giao lưu với sinh viên Trung Quốc, cũng như du học Trung Quốc để hai bên có càng nhiều tiếng nói chung, có những nội dung để cùng trao đổi với nhau. Mối tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc có thể bắt đầu từ các em và chính các em sẽ là những người góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị của nhân dân hai nước”.
Giáo sư Bành Lệ Viên cho rằng các hoạt động giao lưu, trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên giữa ĐHQGHN với các đối tác Trung Quốc là phương thức hay, đồng thời mong muốn ĐHQGHN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi này, qua đó thúc đẩy nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam học tiếng Trung Quốc, du học Trung Quốc.
Kết thúc buổi giao lưu, các sinh viên ĐHQGHN đã thể hiện tài viết thư pháp bằng tiếng Việt và tiếng Trung trên nón lá, trao tặng hai Phu nhân hai chiếc nón lá truyền thống Việt Nam có viết hai chữ thư pháp “Hữu nghị” bằng tiếng Việt và tiếng Trung.
ĐHQGHN thiết lập quan hệ đối tác với gần 30 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc
Tại buổi đón tiếp, Giáo sư Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN đã giới thiệu tới hai phu nhân về tình hình hợp tác giữa ĐHQGHN với các đối tác Trung Quốc cũng như những thông tin về việc đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc tại ĐHQGHN.
Theo đó, ĐHQGHN đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong tất cả các hoạt động liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
ĐHQGHN thiết lập quan hệ đối tác với gần 30 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Chính pháp Trung Quốc, Trường đại học Sư phạm và Kỹ thuật Quảng Tây, Trường đại học Dân tộc Quảng Tây, Trường đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Bắc…
Hiện nay, số lượng sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đơn vị trong ĐHQGHN là gần 600 sinh viên, trong đó tập trung nhiều tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (gần 400 sinh viên), Khoa các khoa học liên ngành (100 sinh viên) và Trường đại học Ngoại ngữ (gần 70 sinh viên). Nhiều hình thức học tập được triển khai như đào tạo ngắn hạn, đào tạo chính quy lấy bằng của ĐHQGHN và các chương trình giao lưu văn hóa, thực tập nghiên cứu sinh.
Về hợp tác nghiên cứu khoa học, Trường đại học Y Dược và Trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đã có các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ hợp tác nghị định thư giữa hai nước với Trường đại học Giao thông Thượng Hải và Trường đại học Công nghệ An Huy trong các lĩnh vực công nghệ cao và bảo vệ môi trường.