Phù Ninh: Dấu ấn 25 năm tái lập huyện

Sau 22 năm hợp nhất với huyện Lâm Thao thành huyện Phong Châu, ngày 01/9/1999, huyện Phù Ninh được tái lập và đi vào hoạt động. 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy truyền thống cách mạng, sáng tạo, đổi mới, nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Thị trấn Phong Châu - trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Phù Ninh phát triển ngày càng khang trang, hiện đại, hoàn thành các tiêu chí đô thị văn minh.

Thị trấn Phong Châu - trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Phù Ninh phát triển ngày càng khang trang, hiện đại, hoàn thành các tiêu chí đô thị văn minh.

Những năm đầu tái lập, huyện Phù Ninh gặp không ít khó khăn bởi kinh tế chậm phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) chưa đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp, đời sống Nhân dân còn khó khăn.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh, 25 năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân trong huyện luôn chung sức, đồng lòng, lập nên những thành tích đáng tự hào. Từ một huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay diện mạo, tiềm lực kinh tế của huyện có những chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế động lực của tỉnh, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt hơn 401 tỷ đồng, là năm có số thu cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,44%, giảm 16,68% so với năm đầu tái lập.

Thực hiện các khâu đột phá, kết cấu hạ tầng của huyện được quan tâm đầu tư, phát triển nhanh, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ... phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH và đời sống Nhân dân, mở ra nhiều cơ hội phát triển, tăng sức hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn. Huyện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, quy mô lớn vào đầu tư phát triển sản xuất, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt trên 2.941 tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tăng trưởng cả về năng suất, sản lượng, giá trị, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết, tích tụ, tập trung ruộng đất, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân với cách làm sáng tạo, có bước đi phù hợp, đạt những kết quả khả quan.

Từ năm 2021 đến 2023, huyện đã huy động được tổng nguồn lực hơn 446 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Đến nay, 16/16 xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, 2 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Trung Giáp, Phú Lộc), xã Tiên Phú tiếp tục hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, thị trấn Phong Châu hoàn thành các tiêu chí đô thị văn minh, phấn đấu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Tích cực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn huyện có 18 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 14 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có bước chuyển biến rõ rệt. Trên địa bàn huyện hình thành 3 cụm công nghiệp, thu hút 44 doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất. Ngoài ra, còn có trên 500 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động với thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng, hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Duy trì thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa ở cơ sở, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động sâu rộng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Năm 2023, toàn huyện có 95,5% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa, tăng 40% so với năm 1999; có 95% khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa, tăng 54,6% so với năm 1999.

Thực hiện Nghị quyết số 87-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện thiết chế nhà văn hóa khu dân cư giai đoạn 2022-2024”, các xã, thị trấn tích cực huy động các nguồn xã hội hóa, vận động Nhân dân đóng góp nguồn lực để cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa khu dân cư đạt trên 23 tỷ đồng.

Các công trình, di tích lịch sử, văn hóa, di tích khảo cổ cấp Quốc gia, cấp tỉnh được quan tâm, chú trọng, gìn giữ, bảo tồn, từng bước đầu tư, trùng tu, tôn tạo, phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển vững chắc cả về quy mô, chất lượng, số trường đạt chuẩn Quốc gia tính đến tháng 6/2024 là 60/61 trường, đạt 98,4%.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế được củng cố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ, phục vụ tốt khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2030. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,8% dân số trên địa bàn huyện. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT- XH đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Hệ thống chính trị không ngừng được kiện toàn, củng cố, vững mạnh về mọi mặt, công tác xây dựng Đảng được tăng cường toàn diện. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Sau khi tái lập huyện có 5.310 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 7.436 đảng viên, sinh hoạt ở 36 chi, đảng bộ cơ sở.

Công tác chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND các cấp được đổi mới theo hướng chủ động, quyết liệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở; quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước được đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực, đạt hiệu quả cao.

Hồng đặc sản Gia Thanh được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng NTM.

Hồng đặc sản Gia Thanh được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng NTM.

Với những kết quả, thành tích trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Phù Ninh được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Cờ thi đua; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cùng nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương, phần thưởng luân lưu, bằng khen, giấy khen... Những phần thưởng cao quý đó là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phù Ninh trên hành trình xây dựng, phát triển quê hương.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phù Ninh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện; tranh thủ thời cơ, huy động mọi nguồn lực để xây dựng huyện ngày càng phát triển bền vững.

Với niềm tin và khát vọng phát triển, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp; toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng quê hương Phù Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Thị Tố Uyên

TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phu-ninh-dau-an-25-nam-tai-lap-huyen-217594.htm