Phù Ninh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng

Sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện Phù Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, Phù Ninh đã và đang phát huy lợi thế, tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện khâu đột phá về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nhờ đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, diện mạo thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh ngày càng khang trang, hiện đại.

Năm 2021, Phù Ninh có tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.600 tỉ đồng. Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, với tổng mức huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đạt 250 tỉ đồng, Phù Ninh đã thi công xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm: Đường trục chính từ QL2 (đoạn ngã 3 Phú Lộc đến đường tránh thị trấn Phong Châu), đường GTNT khu 7, xã Trạm Thản, đầu tư xây dựng 6,4km đường giao thông bằng bê tông xi măng; cải tạo nâng cấp đường huyện P2, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường GTNT ở các xã Phù Ninh, Trị Quận, Phú Lộc, Liên Hoa, Gia Thanh, Bình Phú. Đặc biệt, cụ thể hóa các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện để xây dựng một số dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện như: Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường Âu Cơ giai đoạn 2 do tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo được hơn 121km đường giao thông; tỉ lệ GTNT được cứng hóa đạt 72,5%, trong đó có trên 70% có quy mô mặt đường trên 5m. Các công trình giao thông được đầu tư đã tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất và giao thương với các vùng lân cận, phục vụ thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp (Khu CN Phù Ninh, CCN: Đồng Lạng, Phú Gia, Tử Đà-An Đạo và vùng phụ cận Tổng Công ty giấy Việt Nam). Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng các hoạt động sản xuất CN- TTCN cơ bản duy trì đà tăng trưởng, quy mô sản xuất được giữ vững, ổn định được lực lượng lao động, đưa tổng giá trị sản xuất đạt 7.658 tỉ đồng. Huyện đã thu hút thêm chín dự án mới và bảy dự án điều chỉnh, tổng vốn đầu tư mới 350,2 tỉ đồng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đã đăng ký triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, thúc đẩy CN-TTCN trên địa bàn.Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với lợi thế của huyện. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển vùng trồng hồng Gia Thanh; quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp công nghệ cao; kế hoạch xóa bỏ cây bạch đàn chồi, kém hiệu quả; phát triển làng nghề; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, nhiều trạm bơm lớn nhỏ được đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ phát triển bền vững sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng NTM, tạo nền tảng thu hút kinh doanh dịch vụ đa mục tiêu. Cùng với đó, thực hiện chương trình phát triển mạng lưới điện, huyện đã tập trung huy động nguồn lực nâng cấp khắc phục tình trạng thiếu điện, chất lượng điện kém; đáp ứng kịp thời cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp, dịch vụ. Hạ tầng thông tin, truyền thông phát triển nhanh, phủ sóng 4G tới 100% khu dân cư, cáp quang được kéo tới 100% trung tâm xã, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Hạ tầng văn hóa, thể thao được đầu tư với 100% khu dân cư có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn NTM.Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từ chăm sóc y tế, giáo dục đến đời sống văn hóa, các dự án trọng điểm của lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng. Huyện đã giải ngân vốn đầu tư đạt 93%, triển khai thực hiện dự án đầu tư mới do huyện phê duyệt chủ trương đầu tư: Cải tạo, nâng cấp nhà làm việc Huyện ủy, đoàn thể và các hạng mục phụ trợ. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, huyện triển khai xây dựng và hoàn thành đi vào hoạt động Bệnh viện dã chiến với quy mô 200 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Thực hiện các công trình cải tạo, sửa chữa phòng họp của Huyện ủy, UBND huyện, các trường học với tổng mức đầu tư trên 25 tỉ đồng. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025), huyện tiếp tục phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả khâu đột phá về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng then chốt, phấn đấu hết năm 2025 xây dựng huyện Phù Ninh cơ bản trở thành huyện NTM, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.500 tỉ đồng. Phát huy những tiềm năng, lợi thế, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện, sẽ tạo nên thế và lực mới để Phù Ninh phát triển toàn diện, vững chắc.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202204/phu-ninh-dau-tu-xay-dung-dong-bo-ket-cau-ha-tang-184074