Phù Ninh đổi mới tổ chức sản xuất
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, huyện Phù Ninh đã chú trọng xây dựng và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất chuyển dần từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang kinh tế trang trại, HTX theo hướng tăng nhanh tỉ trọng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Mô hình chăn nuôi gà với quy mô 30.000 con của HTX Hải Dương, khu 7, xã Trung Giáp, mỗi tháng xuất bán trung bình 18.000 gà giống, cho doanh thu 3-4 tỉ đồng/năm.
Với lợi thế địa hình tự nhiên đa dạng, bao gồm cả vùng đồi núi thấp, vùng bán sơn địa và vùng đồng bằng hồ đầm, Phù Ninh có thuận lợi trong việc phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa dạng các loại hình hoạt động. Trên địa bàn huyện có 28 đơn vị kinh tế tập thể (trong đó có 24 HTX dịch vụ nông nghiệp, hai HTX dịch vụ lâm nghiệp, hai HTX thủy sản), 61 trang trại (trong đó có hai trang trại tổng hợp, 38 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 21 trang trại thủy sản. Hiện nay, nhiều mô hình HTX kiểu mới có cách làm sáng tạo, không những tổ chức tốt sản xuất, lựa chọn sản phẩm chủ lực thế mạnh mà còn trực tiếp đầu tư xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết với các doanh nghiệp, tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ theo hợp đồng. Đặc biệt, thông qua sử dụng mạng xã hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương.
Ông Nguyễn Phúc Suyên- Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Phù Ninh cho biết: Để thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống, kỹ thuật các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa; hỗ trợ kinh phí tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân, hỗ trợ vắc-xin, hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cung cấp thông tin thị trường cho nông dân... Đồng thời, xây dựng kế hoạch đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn và cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX, trang trại, làng nghề, làng có nghề, từng bước gắn với phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động, phát triển bền vững kinh tế hộ gia đình.
Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án, huyện đã chủ động nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển nhanh và bền vững như các Nghị quyết: Phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản huyện Phù Ninh; chuyển đổi diện tích bạch đàn chồi; phát triển cây hồng không hạt Gia Thanh; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đang được triển khai nhân rộng như: Thâm canh chè, phát triển cây bưởi, cây hồng, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… Toàn huyện có gần 1.511ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây ăn quả tập trung (từ 5ha trở lên) trên 200ha.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển đàn vật nuôi đặc sản có giá trị cao và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất liên doanh, liên kết với người dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển một số giống thủy sản mới, có giá trị cao; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa một vụ chiêm kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở các xã: Phù Ninh, Bình Phú, Phú Nham, Gia Thanh, Hạ Giáp…
Thực tế cho thấy, sự phát triển của kinh tế nông thôn Phù Ninh đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, khai thác hiệu quả diện tích đất trống, đất hoang hóa trước đây sử dụng kém hiệu quả. Nhờ hoạt động của các HTX, trang trại, gia trại đa dạng với nhiều lĩnh vực đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, là tiền đề cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ gia đình. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 8,75%, trong đó tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,86%. Đặc biệt, các sản phẩm chè Chùa Tà xã Tiên Phú, bưởi Phú Lộc, hồng không hạt Gia Thanh, cá thính Tử Đà, bánh sắn Phong Châu, cá Koi Phú Mỹ, gà đồi Liên Hoa đang dần khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường.
Thanh Nga
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phu-ninh-doi-moi-to-chuc-san-xuat/184798.htm