Phụ nữ Afghanistan hoang mang trước tương lai bất định
Ngày 16-8, lực lượng Taliban đã kiểm soát được Thủ đô Kabul của Afghanistan và tuyên bố chiến tranh chấm dứt. Tổng thống Ghani rời khỏi Afghanistan ngay sau đó. Người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ lo sợ sẽ phải quay trở lại 'những ngày đen tối' sau khi lực lượng Taliban với quan điểm vô cùng khắt khe với phụ nữ - quay trở lại nắm quyền tại quốc gia này sau 20 năm.
Những chiếc khăn trùm Burqa trở lại
Vừa chập tối, Zarmin Zahra cùng mẹ và ba chị gái của cô đang trên đường đi ăn tối tại nhà một người chị khác thì đột nhiên thấy mọi người tháo chạy và nghe thấy tiếng súng trên đường phố. “Taliban tới đấy!” - tiếng đám đông la hét. Chỉ vài phút sau đó, mọi thứ đã thay đổi đối với cô gái 26 tuổi sống ở Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan.
Zahra lớn lên ở đất nước Afghanistan hầu như không có bóng dáng của lực lượng Taliban, nơi phụ nữ dám ước mơ nghề nghiệp và các cô gái được học hành. Trong 5 năm qua, cô đã làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương để nâng cao nhận thức của phụ nữ và truyền thông về bình đẳng giới. Nhưng những ước mơ và hoài bão của cô đã sụp đổ vào tối thứ năm tuần trước khi khi Taliban tràn vào thành phố. Lực lượng Taliban luôn bảo vệ quan điểm hồi giáo khắt khe đối với người phụ nữ.
Trên thực tế, sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Herat, Taliban đã phát đi thông báo trên mạng xã hội về yêu cầu bắt buộc các phụ nữ trong thành phố phải choàng chiếc khăn trùm Burqa ở những nơi công cộng. Giống như hầu hết người dân Afghanistan khác, Zahra, cha mẹ và năm anh chị em của cô hiện chỉ ở trong nhà, không dám ra ngoài và lo lắng về tương lai. “Tôi đang bị sốc nặng. Tôi là một người phụ nữ đã rất nỗ lực và cố gắng học hỏi, thăng tiến, giờ đây sao có thể chỉ ru rú trong nhà như biết bao phụ nữ Afghanistan khác”- cô gái có khuôn mặt tròn, chất giọng nhẹ nhàng nói.
Sau các cuộc tấn công chớp nhoáng trong nhiều ngày qua, lực lượng Taliban hiện kiểm soát gần như toàn bộ đất nước, chỉ hai tuần trước khi Mỹ có kế hoạch rút quân cuối cùng. Ngày 16-8, sau khi chiếm được Dinh Tổng thống Afghanistan trong bối cảnh Tổng thống Ashraf Ghani đã chạy sang Tajikistan, lực lượng Taliban tuyên bố chiến tranh đã chấm dứt. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết gần 250.000 người Afghanistan, phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã rời bỏ nhà cửa kể từ cuối tháng 5 vừa qua do lo ngại Taliban sẽ áp dụng chính sách nghiêm ngặt và khắc nghiệt với phụ nữ.
Quay trở lại sau 20 năm
Lực lượng Taliban đã lãnh đạo đất nước Afghanistan trong 5 năm cho đến năm 2001. Thời điểm đó, Mỹ đề nghị Taliban giao nộp thủ lĩnh Al Qaeda là Osama bin Laden, người bị cáo buộc đứng sau vụ khủng bố 11-9, nhưng không được Taliban chấp thuận, Mỹ đã mở cuộc tấn công vào Afghanistan, mở đầu cho sự can dự kéo dài 20 năm. Trong suốt 5 năm người dân Afghanistan dưới sự kiểm soát của Taliban, trẻ em gái bị cấm không được đến trường học hành và phụ nữ bị cấm làm việc. Thậm chí, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà mà không có người thân là nam giới đi cùng. Taliban cũng thực hiện các vụ hành quyết công khai, chặt tay những tên trộm và ném đá những phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.
Tại một công viên ở Kabul, từ tuần trước đã được chuyển thành nơi trú ẩn cho những người phải di dời, một số người cho biết, đã có những cô gái bị đánh đòn vì “đi dép hở chân”. Một giáo viên ở tỉnh Takhar cho biết, không một người phụ nữ nào được phép ra chợ nếu không có nam giới đi cùng. Khoảng 3.000 gia đình chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc gần đây bị Taliban tiếp quản hiện đang sống trong các lều bên trong công viên, một số người phải sống tạm trên vỉa hè.
Zahra đã không đến văn phòng làm việc khoảng một tháng trước khi lực lượng Taliban tiến gần tới Herat, cô làm việc từ xa tại nhà. Nhưng cuối tuần trước, Taliban đã phá vỡ các tuyến phòng thủ của thành phố và Zahra không thể làm việc kể từ đó. Đôi mắt Zahra rưng rưng khi nghĩ đến khả năng mình sẽ không thể trở lại làm việc, cô em gái 12 tuổi sẽ không thể tiếp tục đến trường, anh trai của cô sẽ không thể chơi bóng đá; và cô sẽ không thể tự do chơi đàn guitar nữa. Zahra đã kể ra một số thành tựu mà phụ nữ Afghanistan đã đạt được trong 20 năm qua kể từ khi Taliban bị lật đổ: Trẻ em gái được đi học, và phụ nữ tham gia Quốc hội, chính phủ và các công việc kinh doanh.
Marianne O'Grady, Phó Giám đốc quốc gia của CARE International có trụ sở tại Kabul, cho biết phụ nữ Afghanistan đã có những bước tiến rất ấn tượng trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, và giờ đây, khi lực lượng Taliban tiếp quản đất nước, cô không chắc mọi chuyện tiếp theo sẽ như thế nào. “Không thể hàng triệu người lại bị thất học. Nếu phụ nữ lại phải “lùi sau những bức tường và không thể ra ngoài nhiều thì ít nhất bây giờ họ có thể giáo dục con cái và những người xung quanh theo những cách mà 25 năm trước đây không thể xảy ra”. Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi dường như xuất hiện khắp nơi, đặc biệt là ở phụ nữ.
Zarmina Kakar, 26 tuổi, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kabul, cho biết: “Tôi cảm thấy chúng tôi giống như một con chim làm tổ để sinh sống và dành toàn bộ thời gian để xây dựng nó, nhưng rồi bất ngờ và bất lực nhìn người khác phá hủy”. Kakar được 1 tuổi khi Taliban tiến vào Kabul lần đầu tiên vào năm 1996, và cô nhớ lại lần được mẹ dẫn đi mua kem, khi Taliban còn thống trị. Mẹ cô đã bị một chiến binh Taliban đánh đòn vì để lộ khuôn mặt của cô trong vài phút. “Hôm nay một lần nữa, tôi cảm thấy rằng nếu Taliban lên nắm quyền, chúng tôi sẽ trở lại những ngày đen tối như trước đây” - cô nói.