Phụ nữ Cầu Ngang tiếp tục nhân rộng mô hình dân vận khéo
Hưởng ứng phong trào thi đua 'Dân vận khéo', các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Ngang đã cụ thể hóa các hoạt động, tạo sức lan tỏa tới từng cán bộ, hội viên... Hàng năm, Hội vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Bà Trần Thị Thu Ba (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Sao Kim VFG cùng nhân viên giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Nổi bật là phong trào vận động hội viên, phụ nữ tham gia mô hình Hùn vốn mua bảo hiểm y tế (BHYT) và “Bỏ ống heo tiết kiệm tham gia BHYT tự nguyện”. Đến nay Hội thành lập 30 tổ bỏ ống heo tiết kiệm mua BHYT tự nguyện và 59 tổ hùn vốn mua BHYT; có 1.613 hội viên tham gia BHYT tự nguyện. Cùng với đó, Hội tập trung duy trì chương trình “mẹ đỡ đầu” với 10 trẻ, hàng năm Hội vận động duy trì tặng quà cho 10 trẻ mồ côi do Covid-19.
Các mô hình lĩnh vực kinh tế, Hội đã thành lập và duy trì 07 tổ hợp tác sản xuất và 69 tổ liên kết sản xuất có 1.125 thành viên tham gia như: tổ phụ nữ nuôi bò; tổ may khẩu trang; tổ làm muối rang; tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn; tổ dịch vụ nấu ăn; tổ trồng ớt chỉ thiên; tổ may gia công vành nón; tổ trồng năng, tổ trồng đậu phọng; tổ đan giỏ lục bình; tổ hùn vốn sửa chữa nhà, tổ đan lát.
Song song đó, Hội vận động phát triển mới 05 doanh nghiệp nữ và tiếp tục khảo sát nhu cầu sử dụng vốn thực hiện “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, kết quả có 166 chị có nhu cầu vay vốn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với số tiền trên 07 tỷ đồng đã đề nghị về Hội LHPN tỉnh xem xét, giải quyết. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trên 10 tỷ đồng cho 252 hộ vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn khởi nghiệp.
Bà Trần Thị Thu Ba là 01 trong 05 doanh nghiệp mới thành lập và được Hội LHPN huyện hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp. Bà Thu Ba, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Sao Kim VFG, xã Mỹ Long Nam cho biết: sau khi nhận vốn, Công ty đã không ngừng đầu tư trang thiết bị để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Đặc biệt, 06 dòng sản phẩm của Công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trong đó có chả bò, chả lụa và pate, xúc xích heo, xúc xích bò, chả cá. Năm 2024, Sao Kim VFG được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh hỗ trợ 140 triệu đồng đầu tư 10 thiết bị sản xuất chả các loại, góp phần nâng cao năng suất gấp từ 2,5 - 03 lần, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động và xây dựng mạng lưới hơn 100 đại lý phân phối. Giai đoạn 2025 - 2030, Sao Kim VFG định hướng hoàn thiện nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là thực phẩm chay, ứng dụng nguyên liệu tự nhiên, dinh dưỡng cao.
Bà Thạch Thị Sa Thia, ấp Trường Bắn, xã Thạnh Hòa Sơn khởi nghiệp với nghề trồng sen đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và các thành viên.
Bà Thia cho biết: để tìm đầu ra cho sản phẩm ngó sen và hoa sen bà kinh doanh trên mạng xã hội, tuy bước đầu khởi nghiệp còn nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ thấp, nên bà tìm kiếm và truy cập vào các hội nhóm hoa sen, ngó sen tươi trên mạng nhằm tìm đầu ra và cuối cùng bà đã liên kết được khách hàng cung ứng đảm bảo đầu ra cho gia đình.
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng nhiều, bà vận động thêm 02 - 03 hộ dân lân cận tham gia trồng sen và bản thân bà cung cấp giống sen. Nhận thấy nghề trồng sen mang lại hiệu quả cao cho phụ nữ vùng nông thôn, hạn chế đi làm ăn xa, bà vận động các hộ tham gia vào tổ hợp tác trồng sen thu hút 15 thành viên. Đến nay trên địa bàn có 20 hộ tham gia trồng sen với 1,3ha, lợi nhuận bình quân từ 01 - 03 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, được sự đồng hành của Hội LHPN xã, huyện hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tập huấn kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nhờ vậy đầu ra sản phẩm ngó sen ngày càng ổn định và sản phẩm ngó sen tươi được công nhận sản phẩm OCOP.
Chị Trần Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang cho biết: chủ đề năm 2025 “Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, các cấp Hội tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, Tết. Đồng thời chủ động tranh thủ các nguồn lực tổ chức các hoạt động và tác động phụ nữ tham gia vào các loại hình kinh tế, hoạt động khởi nghiệp.
Thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội tổ chức khảo sát hiện trạng hộ kinh doanh và doanh nghiệp do nữ làm chủ có nhu cầu vay vốn hỗ trợ vốn tạo điều kiện cho mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đăng ký hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp do nữ làm chủ; phối hợp, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý; hỗ trợ các doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Phối hợp các ngành hỗ trợ thành lập mới và củng cố hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng, chú trọng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã gắn liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.