'Phụ nữ có quyền nói và viết về những vấn đề họ quan tâm'
Những năm qua, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân ngoài công việc dịch thuật, đã miệt mài đi sâu tìm hiểu các dòng chảy văn chương với nhiều nhận định sắc sảo, tư duy hiện đại. Bên cạnh công việc giảng dạy tại trường ĐH Khoa học Xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, chị còn là một cây viết tạo được phong cách trên mạng xã hội.

Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về nữ quyền trong văn chương, một đề tài chị rất quan tâm.
PV: Nhiều nghiên cứu, bài viết và cả quá trình hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình văn học của chị cho thấy sự quan tâm tới nữ quyền trong xã hội lẫn văn chương. Chị quan niệm như thế nào về vấn đề này?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Nữ quyền là một đề tài tôi lấy làm thú vị. Hiện giờ nữ quyền đã phát triển đến làn sóng thứ tư rồi nhưng nhiều người vẫn quan niệm nữ quyền như ở thế kỷ 19 khi xã hội kêu gọi nam nữ chưa bình đẳng và phụ nữ làm được những điều nam giới làm.
Tuy nhiên thực tế, phụ nữ và nam giới không thể so sánh với nhau. Không bao giờ có thể làm những việc giống nhau và cũng không thể bắt phụ nữ làm như nam giới. Đó là quan niệm nữ quyền thế kỷ 19 khi phụ nữ chưa được lái xe, chưa được đi bầu cử, chưa ra đường một mình.
Còn bây giờ thì khác, nữ quyền thời nay là hãy tôn trọng phụ nữ, hãy để phụ nữ làm những việc họ có khả năng làm trong mong muốn của họ. Phụ nữ muốn ở nhà làm nội trợ cũng là nữ quyền, miễn là họ hài lòng, hạnh phúc về điều đó.
PV: Nhưng dường như quan niệm nữ quyền trong văn chương nước ta vẫn chưa được khai phóng?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Nữ quyền trong văn học nước ta thể hiện rất rõ nhưng lại hơi thiên lệch. Tôi theo dõi tác phẩm của rất nhiều tác giả nữ trên văn đàn Việt Nam. Tôi nhận thấy họ có xu hướng viết những câu chuyện lấy cảm hứng từ câu chuyện cuộc đời mình.
Họ viết về hạnh phúc, tình yêu, nỗi đau, nỗi bất hạnh của chính họ. Đã có nhiều câu chuyện rất hay, gợi cảm xúc cho nhiều độc giả. Nhà thơ Xuân Quỳnh hay nhà văn Dạ Ngân là những nữ tác giả có các tác phẩm nổi tiếng, trải chuyện đời mình trong sáng tác văn chương.
Từ trước đến giờ, tôi nghĩ, trong văn chương có một quan niệm sai lầm là nhà văn nữ phải nói lên tiếng nói của con người mình, của cá nhân mình. Nhầm! Phụ nữ có quyền nói và viết về tất cả những vấn đề họ quan tâm.
PV: Nhưng chúng ta có thể thấy khái niệm nữ quyền trong văn chương những năm gần đây đã có sự chuyển biến?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng đã có sự thay đổi trong nhìn nhận nữ quyền. Năm vừa qua trên bình diện quốc tế, chúng ta đã chứng kiến sự "lên ngôi" của tác giả nữ ở những giải thưởng văn chương các cấp độ.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho biết: Nữ quyền trong văn học nước ta thể hiện rất rõ nhưng lại hơi thiên lệch. Tôi theo dõi tác phẩm của rất nhiều tác giả nữ trên văn đàn Việt Nam. Tôi nhận thấy họ có xu hướng viết những câu chuyện lấy cảm hứng từ câu chuyện cuộc đời mình.
Ở nước ta, nhiều tác giả nữ không chỉ dừng lại ở việc nói về con người cá nhân, không chỉ đấu tranh vì những vấn đề muôn đời của phụ nữ như tình yêu, hôn nhân, sự thành công, sự nghiệp…
Hiện giờ các nhà văn nữ hướng đến nhiều đề tài khác nhau. Có người hướng đến tiểu thuyết lịch sử, có người đi vào mảng trinh thám, kinh dị, kỳ ảo và đặc biệt, có người quay trở lại tập trung viết cho thiếu nhi. Nhà văn nữ đã bước ra khỏi tư duy hệ hình chỉ nói về cảm xúc của cá nhân, những điều riêng tư và những nỗi đau cá nhân.
Hiện giờ, họ viết đa dạng nhiều vấn đề, thậm chí viết cả về những vấn đề "nóng", thời sự xã hội. Không chỉ sáng tạo văn chương, nhà văn nữ còn dấn thân sang các lĩnh vực khác như viết kịch bản sân khấu, điện ảnh.
PV: Nếu có thể đưa ra một số cái tên, đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng nữ quyền trong văn chương nước ta thời gian gần đây, chị chọn ai?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Thời gian vừa qua, tôi chú ý đến nhiều tác giả nữ. Nếu như để kể ra một cái tên thì tôi nghĩ ngoài Nguyễn Ngọc Tư đã ghi dấu ấn ở bình diện quốc tế thì có thể kể tên tác giả Thảo Trang. Đây là một tác giả đã viết về những đề tài có thể nói là khó với nữ giới.
Chị là tác giả tiểu thuyết "25 độ âm" in 10.000 bản trong lần in đầu tiên và hiện đang nối bản. Đây là tiểu thuyết viết về thảm kịch những người Việt chết cóng trong container ở nước Anh. Thảo Trang cũng là tác giả của những tiểu thuyết kinh dị lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Việt Nam rất thành công.
Quá trình làm việc của Thảo Trang cho thấy thái độ và năng lực chuyên môn chuyên nghiệp. Điều này ít thấy ở các nhà văn nữ vốn sáng tác hơi theo cảm tính. Thảo Trang thì khác. Trong khi sáng tác một tiểu thuyết trinh thám, nửa đêm bạn ấy gọi cho một bác sĩ để hỏi khi bị cắt động mạch, bao nhiêu phút con người có thể ngừng thở.
Bạn ấy kỹ lưỡng đến từng chi tiết như vậy. Tôi được biết, hiện giờ Thảo Trang đang ấp ủ một tiểu thuyết có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là viết về những người đi vớt xác chết trôi trên sông. Tôi nghĩ rằng đó là một điều rất lạ với các nữ nhà văn thông thường.
PV: Còn với cá nhân tiến sĩ Hà Thanh Vân thì năm qua, chị nhận thấy đã có dấu ấn riêng nào cho bản thân mình với tư cách là một tác giả phê bình văn học?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Năm vừa qua, tôi có xuất bản cuốn sách "Văn chương phương Nam: Những vùng đất, những con người" tập hợp những bài viết của tôi về văn chương phía Nam. Ngoài ra, tôi có chuyển ngữ hai cuốn sách.
Ngoài làm phê bình, tôi có viết tản văn và du ký. Trong tháng cuối năm, cuốn tản văn "Đàn bà thì phù phiếm" của tôi đã được tái bản. Đầu năm, tôi xuất bản cuốn sách "Du nữ ký" trong bộ du ký viết về các chuyến đi của mình.
Năm qua, tôi có tham gia cuộc thi bút ký "Câu chuyện của những dòng sông" của báo Vietnamnet và được giải Ba. Về mảng lý luận phê bình điện ảnh, bài tiểu luận của tôi về bộ phim "Đào, phở và piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn được Tạp chí Văn nghệ quân đội tặng thưởng tác phẩm lý luận phê bình của năm.
Báo chí cũng thường xuyên đặt hàng tôi viết bài, lên tiếng về những vấn đề văn hóa nghệ thuật. Để đánh giá về năm vừa qua, tôi cho rằng mình đã làm tròn trách nhiệm của một người làm công tác lý luận phê bình.
PV: Cảm ơn tiến sĩ Hà Thanh Vân! Chúc chị có thêm nhiều năng lượng, có những tác phẩm mới trong năm 2025!
Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân sinh năm 1974, là đồng tác giả của khoảng 15 đầu sách đã xuất bản như: Văn hóa, văn học từ một góc nhìn, Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX, Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nam bộ nhìn từ văn hóa, văn học và ngôn ngữ, So sánh loại tiểu thuyết tài tử giai nhân ở các nước phương Đông thời kỳ trung đại, Văn học trẻ TPHCM 1975 -2010, Du nữ ký, Đàn bà thì phù phiếm…