Kịch nói 'Điện Biên vẫy gọi' giành giải thưởng sân khấu Việt Nam năm 2024
Tại Lễ trao Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2024, tác phẩm 'Điện Biên vẫy gọi' của Nhà hát Kịch nói Quân đội đã được vinh danh ở hạng mục 'Vở diễn Sân khấu của năm.'

Tác phẩm “Điện Biên vẫy gọi” của Nhà hát Kịch nói Quân đội được trao giải "Vở diễn Sân khấu của năm.” (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ngày 21/2, Lễ trao Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Khắc họa xúc động tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp, tác phẩm “Điện Biên vẫy gọi” của Nhà hát Kịch nói Quân đội đã được vinh danh ở hạng mục “Vở diễn Sân khấu của năm.”
Tác phẩm do Phó Giáo sư Tất Thắng viết kịch bản và Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng dàn dựng đã tôn vinh những tấm gương sáng ngời của bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng các tầng lớp nhân dân, lực lượng phục vụ chiến dịch góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đánh giá đây là một vở diễn hay về đề tài chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ. Trong vở có nhiều lớp diễn và cảnh diễn rất xúc động, lấy được nước mắt của khán giả. Bên cạnh nội dung xúc động, hấp dẫn, vở diễn còn có phần thiết kế trang trí rất đẹp, vừa tả thực vừa ước lệ, mộc, nhưng vô cùng cuốn hút, đã tái hiện được sự hùng vĩ, hoành tráng của bối cảnh lịch sử.
Ban Tổ chức cũng trao 3 Giải B và 4 Giải C cho các tác phẩm sân khấu chất lượng trong năm 2024 ở các thể loại: Kịch nói, nhạc kịch, xiếc, tuồng, cải lương. Trong số 9 tác phẩm được vinh danh ở hạng mục “Vở diễn Sân khấu của năm,” có đến 4 tác phẩm kịch nói.

Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc và Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương trao giải thưởng cho Nghệ sỹ Ưu tú Thành Lộc cùng các tác giả đoạt giải. (Ảnh: Hiền Nguyễn)
Nhân dịp này, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã trao giải thưởng cho các cá nhân và tập thể có thành xuất sắc nhất năm.
Hạng mục “Đội ngũ sáng tạo xuất sắc nhất của năm” gồm có: Tác giả xuất sắc nhất: Phó Giáo sư Tất Thắng; Đạo diễn xuất sắc nhất của năm: Nghệ sỹ Ưu tú Thành Lộc; Nhạc sỹ xuất sắc nhất của năm: Nghệ sỹ Ưu tú Đào Tuấn Hải; Họa sỹ xuất sắc nhất của năm: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Đạt Tăng.
Hạng mục “Tác giả kịch bản sân khấu năm 2024” có 3 Giải B (không có giải A): Kịch nói “Đất thép” của tác giả Lê Quý Dương; kịch nói “Lửa từ đất” của tác giả Lê Quý Hiền; kịch thiếu nhi “Ngôi sao rực rỡ” của tác giả Vũ Thị Thảo (Kỳ Phương).

Các tác giả kịch bản nhận Giải B (từ trái sang): Lê Quý Hiền, Vũ Thị Thảo, Lê Quý Dương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Điểm lại hoạt động của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam năm 2024, nhà viết kịch, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội cho hay năm qua, đã có 5 cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp: Liên hoan các tác phẩm sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng và Liên hoan Sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất.
Có 94 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập tham gia với 109 vở diễn tham gia năm cuộc liên hoan. Ban Tổ chức các cuộc liên hoan đã trao 19 Huy chương Vàng, 26 Huy chương Bạc cho vở diễn; 149 Huy chương Vàng, 227 Huy chương Bạc cho cá nhân và 36 giải cho các thành phần sáng tạo.
“Số lượng đơn vị, số lượng vở diễn, số lượng diễn viên tham dự liên hoan phần nào chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, sự khát khao sáng tạo và mong muốn được cống hiến của đội ngũ nghệ sỹ tìm cách thay đổi diện mạo sân khấu trong thời kỳ công nghệ 4.0,” ông Nguyễn Đăng Chương nói.
Theo ông Chương, chính sự thay đổi về nhận thức của lãnh đạo và Hội đồng nghệ thuật đã làm cho sân khấu mất dần đi những vở diễn tập trung khai thác những câu chuyện giải trí đơn thuần, nông cạn, nhường chỗ cho kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề, các câu chuyện về lịch sử, danh nhân, dân gian… nhằm chuyển tải tới người xem những thông điệp hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ.

Vở nhạc kịch "Lửa từ đất" lấy bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự xóa bỏ khoảng cách về chất lượng nghệ thuật giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập. Chất lượng tác phẩm của các đơn vị sân khấu xã hội hóa đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về lượng và chất. Sự chuyển mình của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và đạt về giá trị kinh tế để có nguồn lực dành cho tái đầu tư sáng tạo.
Ông Chương cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành nghệ thuật sân khấu, nổi bật là việc thiếu kịch bản hay. Chính vì vậy nên các đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại kịch bản đã cũ, thậm chí còn sử dụng những kịch bản đã trình làng cách đây nhiều thập kỷ để mang đi tham dự liên hoan và phục vụ nhân dân.
“Thực trạng này bộc lộ rõ nền sân khấu của chúng ta đang khủng hoảng trầm trọng đội ngũ tác giả. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không tuyển sinh được sinh viên theo học biên kịch sân khấu,” ông Chương trăn trở.
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi cho hay trong năm 2025, Hội quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức Đại hội cơ sở và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ X (2025-2030) dự kiến vào tháng Năm; tổ chức Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ VI năm 2025 vào tháng 11 tại Ninh Bình với sự tham gia của 10 đoàn nghệ thuật quốc tế; xây dựng dự án Bảo tàng Sân khấu online và Trung tâm Tưởng niệm tổ nghề Sân khấu tại Ninh Bình…
Đặc biệt, Hội sẽ triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025)./.
Hạng mục “Diễn viên xuất sắc nhất của năm ở các loại hình nghệ thuật”:
Diễn viên Chèo xuất sắc: Nghệ sỹ Ưu tú Thùy Dương, vai Hồ Xuân Hương, vở "Hồ Xuân Hương" - Nhà hát Chèo Hải Phòng và Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Minh Tiến, vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vở "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" - Nhà hát Chèo Quân đội.
Diễn viên Tuồng xuất sắc: Phạm Thị Bích Huệ vai Hạnh, vở "Hòn vọng phu" - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nghệ sỹ Ưu tú Trần Văn Long vai Nguyễn Quang, vở "Đoạn thâm tình" - Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Diễn viên Cải lương xuất sắc: Huỳnh Ngọc Trinh (tức Bình Tinh) vai Đô đốc Bùi Thị Xuân, vở "Nữ tướng Tây Sơn" - Sân khấu Sen Việt; Nghệ sỹ Ưu tú Quang Thanh vai Trần Phúc Hiển, vở "Hồ Xuân Hương" - Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nghệ sỹ Ưu tú Như Huỳnh vai An tư Công chúa, vở "Sáng mãi vầng nhật nguyệt" - Nhà hát Cải lương Cao Văn Lầu.
Diễn viên Kịch nói xuất sắc: Nghệ sỹ Ưu tú Lê Hải vai ông Toan, vở "Hoàng hôn không có nắng" - Hội Sân khấu thành phố Hải Phòng; Phạm Thị Thanh Huệ vai Mẹ Linh, vở "Vòng tròn bội bạc" - Nhà hát Kịch Hà Nội; Lê Kim Khánh (tức Lê Khánh) vai Giáng Hương, vở "Giáng Hương" - Sân khấu Nghệ thuật Thiên Đăng.
Diễn viên Kịch dân ca xuất sắc: Nguyễn Thị Thanh Phương vai Quỳnh Hoa, vở "Phụng vũ trời Nam" - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa và Phan Thu vai Lực, vở "Lạc lối" - Nhà hát Ca Kịch Huế.
Hạng mục “Tác giả tác phẩm sách nghiên cứu lý luận phê bình của năm” có 2 Giải A: “Nghệ thuật tuồng, diện mạo và thể chất” của tác giả Phó Giáo sư Tất Thắng; “Tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống” của Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ.
Bằng khen của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam năm 2024: Chi hội Nhà hát Tuồng Việt Nam; Chi hội Nhà hát Chèo Quân đội; Chi hội Nhà hát Chèo Hà Nội; cá nhân Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Hòa Bình - Chi hội trưởng Chi hội tỉnh Bình Định và Đạo diễn Lê Chính - Chi hội trưởng Chi hội tỉnh Quảng Ninh.
Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sân khấu: Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Vân, Tiến sỹ Phạm Thị Hà, ông Lê Việt Hùng thuộc Chi hội Viện Sân khấu và Thạc sỹ Phạm Thế Công - Chi hội trưởng Chi hội tỉnh Hà Nam.