Phụ nữ đồng bào thiểu số với mô hình vi sinh bản địa

Rất nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số biết sản xuất men vi sinh để làm chế phẩm trong xử lý rác hữu cơ và ủ thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hiệu quả từ mô hình sản xuất vi sinh bản địa (IMO) được nhân rộng trên toàn huyện A Lưới sau khi được Tổ chức WWF - Việt Nam chọn làm thí điểm theo hình thức bắt tay chỉ việc ở hai xã Hồng Thái và A Ngo.

Cách làm men IMO để ứng dụng mô hình trồng rau xanh

Cách làm men IMO để ứng dụng mô hình trồng rau xanh

Trước đây, tình trạng sử dụng túi nylon tại các chợ ở A Lưới với lượng rất lớn. Còn ở vườn nhà, người dân thường dùng lá cây, cỏ rồi đốt mỗi khi dọn vệ sinh. Nhưng khi tham gia mô hình sản xuất vi sinh bản địa, phụ nữ dân tộc A Lưới đã biết cách ủ làm phân bón cho cây rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí mà đất tơi xốp. Chị Kan Thu, thành viên của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn A Lưới kể, mình là người dân tộc Pa Cô, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chưa thành thạo nên ngại khi tham gia lớp sản xuất men vi sinh để làm chế phẩm trong xử lý rác hữu cơ và ủ thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Vẫn biết là các chị được bắt tay, chỉ việc, nhưng để nhớ hết các công đoạn quả không dễ. Nhưng giờ thì nhiều phụ nữ dân tộc đọc vanh vách cách làm men IMO để ứng dụng trong mô hình trồng rau xanh và chuối già lùn tại vườn của mình. Các chị có thể làm thành thạo các bước trong quá trình ủ chế phẩm sinh học IMO. Chẳng hạn, dùng nước men giống, cám gạo, đường nâu và nước sạch. Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng được. Tùy theo mục đích của người dùng, từ men này có thể pha loãng với nước sạch làm nước xịt khử mùi hôi trong không khí; có thể dùng ủ phân bón vi sinh hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu

Chị Kan Như ở xã A Ngo cho biết, tôi hạn chế sử dụng đồ nhựa nên thường trồng xen canh cả hoa cúc, hành lá, rau xanh. Mỗi khi thu hoạch chỉ bỏ vào gùi thôi, không dùng rổ nhựa. Tất cả các sản phẩm ở hợp tác xã đều được đựng trong các loại túi được làm từ giấy, cói, tre, nứa hoặc được bọc bằng các loại lá xanh như lá chuối, lá dong.

Ở A Lưới, nhiều chị dùng nước men vi sinh ủ với nhiều rác hữu cơ khác làm nước tưới cho rau rất xanh, không bị sâu, tiết kiệm được chi phí và nhất là hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Thế nên, khu vực chuồng trại của các chị không có mùi hôi, đồng thời rút ngắn được thời gian ủ phân chuồng, có thêm nguồn cải tạo đất trồng phục vụ cho các mô hình trồng cấy khác. Các chị là thành viên của HTX sản xuất trên địa bàn thực hiện mô hình trang trại tuần hoàn, tận dụng mọi nguồn rác thải trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là vỏ chuối, để biến chúng thành nguồn tài nguyên sạch, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm sạch được nhiều khách hàng ủng hộ và tin tưởng. Ngoài ra, khi áp dụng men vi sinh bản địa IMO vào sử dụng khử mùi tại nhà vệ sinh thấy rất hiệu quả không tốn nhiều tiền mua nước khử khuẩn, lau nhà sạch khi không có ruồi, muỗi.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường,Chủ tịch Hội LHPN A Lưới cho hay: Mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO giảm tối đa chi phí mua phân, thuốc bảo vệ thực vật; tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn. Về phương diện môi trường, các phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng hoàn toàn, giảm thải ra môi trường đất, nước và không khí ở khu dân cư. Tại bãi tập kết rác sau khi dùng men vi sinh IMO đã giảm được lượng rác thải và hạn chế mùi hôi. Tuy nhiên, để làm men vi sinh thành công các hộ cần lưu ý thực hiện đúng hướng dẫn, ghi nhật ký làm men và làm nhiều lần.

Mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO được triển khai đã đem lại hiệu quả “kép” là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/phu-nu-dong-bao-thieu-so-voi-mo-hinh-vi-sinh-ban-dia-129415.html