Phụ nữ Gia Lai chung tay cùng xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng, sửa chữa 6.712/8.155 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, người có công, đạt 82,31% kế hoạch. Đây là thành quả của sự chung tay của cả hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang, trong đó có phần không nhỏ của hội phụ nữ các cấp trong chương trình xóa nhà tạm tại Gia Lai.

Gia đình bà Siu Thanh Lan vui mừng dọn dẹp tại căn nhà mới khang trang
Hạnh phúc vỡ òa
Bao năm qua, gia đình bà Siu Thanh Lan (60 tuổi, trú buôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) không có đất sản xuất nên phải đến tận vùng đồi núi ở xã Uar (huyện Krông Pa) để tìm đất trồng mì, bắp. Dù rất chịu khó nhưng vùng đất xã Uar nắng nóng, đất xám bạc màu nên hơn 1ha trồng mì, bắp, đậu nhưng cũng chỉ đủ ăn. Có năm mất mùa, phải ứng, vay mượn tiền khắp nơi. Nhà nghèo, mấy năm trước bà lại trở bệnh phải tốn khoản tiền khá lớn để điều trị. Giờ bà cũng chỉ làm được mấy việc nhẹ, còn việc nương rẫy, làm thuê, làm mướn đều do chồng cáng đáng. Cũng vì vậy, căn nhà mới bằng xi măng gia đình bà Lan chả dám ước mong, chỉ cần ít đau bệnh, mưa gió thuận hòa để đủ sống.
Vừa qua, được nhà nước hỗ trợ kinh phí, căn nhà tạm chỉ rộng 10 m2 đã được thay thế bằng ngôi nhà bê tông vững chắc, diện tích 70 m2. "Cứ đến mùa mưa nhà cũ dột khắp nơi. Trời nắng thì chả ai dám vào nhà, phải trú dưới gốc cây. Mỗi khi có cơn gió thổi qua là cứ giật mình thon thót, sợ thổi bay mất mái nhà. Giờ được nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà chắc chắn, tường kiên cố, nền lát gạch sạch sẽ. Mỗi lần ngủ dậy, tôi vẫn cứ nghĩ là mơ", bà Lan bộc bạch.

Chị Kpă Miên (áo đen) nhận căn nhà mới từ Hội LHPN huyện Chư Sê
Gia đình chị Kpă Miên (30 trú làng Ngose-Glan, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) thuộc diện hộ nghèo. Lấy chồng nhưng cả hai gia đình đều khó khăn nên của hồi môn cũng chả có là bao. Để mưu sinh gia đình chị Miên chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê, làm mướn. Làm thuê cũng có thời vụ, mỗi dịp mưa xuống không có việc làm, hai vợ chồng lại đau đau lo nghĩ, nhìn nhau trong căn nhà cũ từ lâu, xuống cấp.
Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Sê đã làm "cầu nối" kêu gọi hội viên phụ nữ và các nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ gia đình số tiền 60 triệu đồng xây dựng căn nhà với diện tích 60 m2. "Căn nhà cũ của gia đình đã dột nát, cứ mưa là nước tràn vào nhà nhưng không có tiền để sửa chữa. Được hỗ trợ xây dựng nhà, gia đình tôi ai cũng mừng rơi nước mắt. Giờ con cái không sợ lạnh vào mùa mưa nữa rồi", chị Miên xúc động.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Sê, chia sẻ, ngay sau khi phát động phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát", Hội đã xây dựng kế hoạch vận động các nguồn lực xã hội và kêu gọi sự đóng góp của hội viên phụ nữ. Đến nay, Hội đã vận động và hỗ trợ kinh phí để khởi công xây dựng 2 căn nhà với tổng kinh phí 120 triệu đồng.
Không có tiền thì góp công
Là một trong những người tích cực trong công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, thời gian qua, chị Rmah H’Tai - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ama Rin 2 (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa), đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đồng thời trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công, nấu ăn cho các gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Với chị H’Tai, dù công việc vất vả nhưng khi thấy các hộ nghèo, cận nghèo có ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống, bản thân chị cảm thấy rất vui và luôn sẵn sàng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để hỗ trợ bà con. Chị H'Tai vui vẻ: Tôi vui khi có cơ hội được chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hàng xóm của mình. Tôi không vận động được nhiều tiền vì quanh thôn ai cũng vất vả cả nhưng tôi có sức, nhà nào cần đến hỗ trợ bận mấy tôi cũng tới.
Địa phương còn nghèo và nhiều khó khăn chung, bởi vậy kinh phí vận động không lớn, nhưng Hội LHPN huyện Ia Pa cũng đã chủ động chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực tham gia phong trào, vận động cán bộ, hội viên và nhà hảo tâm đóng góp ngày công để hỗ trợ các gia đình thuộc diện được xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, hội viên phụ nữ các xã đã đóng góp được 232 ngày công và hơn 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Ia Pa cũng đang triển khai việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 9 hộ hội viên phụ nữ trong danh sách xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí 63 triệu đồng (7 triệu đồng/hộ) từ nguồn Quỹ Hỗ trợ kinh tế cho hội viên phụ nữ nghèo của Hội LHPN huyện.

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) vui mừng khi có căn nhà mới
Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa, sau khi hoàn thiện các ngôi nhà, Hội sẽ xây dựng nhà vệ sinh khép kín cho 9 hộ ở 9 xã trên địa bàn huyện. Các công trình này góp phần quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh, đẩy lùi bệnh tật và kiến tạo môi trường sống trong lành cho các hộ hội viên. Theo bà Lan, sau khi các công trình hoàn thành, Hội sẽ chủ động đến thăm hỏi, động viên các gia đình và dự kiến tặng mỗi hộ 500 ngàn đồng; chỉ đạo Hội LHPN các xã huy động hội viên các chi hội phụ nữ thôn, làng đến hỗ trợ các gia đình sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp...
Bà Rơ Chăm H’Hồng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho hay, hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát", Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia hỗ trợ ngày công, lương thực thực phẩm, nấu ăn... tại các gia đình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đồng thời, các cấp Hội chủ động rà soát, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, MTTQ để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Trong khuôn khổ hoạt động này, Hội đã hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà trên địa bàn huyện Kbang và 5 nhà tiêu hợp vệ sinh ở thị xã Ayun Pa. Thời gian tới, Hội cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để giúp đỡ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Ông Rah Lan Chung (ảnh) - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang, chương trình xóa nhà tạm tại Gia Lai đang được đẩy nhanh tiến độ. Những mái ấm vững chãi đã giúp ổn định cuộc sống và tạo nền tảng vững chắc để các hộ nghèo vươn lên, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Ông Chung bày tỏ, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát phải triển khai đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch, chất lượng và hiệu quả; tập trung huy động mọi nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng và biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào.