Phụ nữ giữ gìn giá trị Việt và hội nhập ở nước ngoài trong thời đại số
Ngày 3/6/2023, 'Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu' đã được tổ chức ở Nhà Quốc hội Hungary. Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh tới vai trò của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại "Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu".
Trong bài phát biểu, thay mặt Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương chúc mừng Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Hội Phụ nữ Việt Nam tại các nước châu Âu với những kết quả vượt bậc thời gian qua. Bà Minh Hương khẳng định: Những năm qua, nhiều thế hệ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc và có những đóng góp quan trọng cho đất nước Việt Nam. Trong các tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài, có thể nói, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary và Hội Phụ nữ Việt Nam ở các nước châu Âu là những tổ chức phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài hoạt động rất hiệu quả và thiết thực.
Những hoạt động này đã tạo được niềm tin, thu hút, tập hợp được chị em phụ nữ Việt Nam tại châu Âu. Các chị đã tổ chức được những hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phụ nữ tham gia vào ngành khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh, kết nối xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới, điều này đặc biệt quan trọng khi châu Âu là khu vực có thế mạnh về công nghệ.
Nhiều gương điển hình người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng tại châu Âu được nhận các giải thưởng quốc tế về khoa học công nghệ đã khẳng định vai trò, vị thế, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngay trên mảnh đất của khoa học, công nghệ.
"Tôi tin tưởng rằng, với trái tim của người Việt, dù ở bất cứ đâu trên trái đất này, chúng ta sẽ cùng chung tay, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt, làm sáng ngời lên truyền thống Việt của người Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam".
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương
Bên cạnh đó, các chị đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam ở châu Âu. Có những hoạt động được duy trì nhiều năm và mỗi năm lại có bước phát triển, thêm gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như: Các lớp dạy tiếng Việt, các hội thảo về văn hóa Việt, chăm sóc sức khỏe, về tâm lý phụ nữ Việt; kỷ niệm các ngày lễ, ngày Tết truyền thống của dân tộc, Tết Trung thu cho trẻ em….
Đặc biệt, các sự kiện quảng bá văn hóa Việt như Triển lãm văn hóa Việt, cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu… có sự kết nối, phối hợp giữa Hội phụ nữ Việt Nam ở các nước, tạo nên hình ảnh rất đẹp và thiêng liêng về văn hóa Việt Nam ở châu Âu.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, kết quả trên có được là nhờ sức mạnh của lòng tự hào dân tộc, của tinh thần đoàn kết giữa các hội viên trong các tổ chức Hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó là nỗ lực của đội ngũ Ban Chấp hành, lãnh đạo Hội Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.
"Nhiều chị không chỉ có uy tín ở nước sở tại mà còn kết nối hiệu quả cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài với đồng bào trong nước. Như chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hungary, nhiều khóa liên tiếp (từ 2009 đến nay) là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và rất nhiều chị tiêu biểu tại các nước như Séc, Đức, Hà Lan…" Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định.
Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Quan điểm, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định vị trí vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đó là "Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị xác định rõ trách nhiệm bảo vệ, tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều tổ chức, cơ quan đã triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ này và đặc biệt tận dụng các nền tảng, phát huy thế mạnh của khoa học, công nghệ số. Diễn đàn hôm nay xác định một chủ đề rất quan trọng đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội tích cực.
Theo Phó Chủ tịch, cách mạng công nghiệp 4.0 hỗ trợ tích cực cho việc giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc thông qua nguồn tài liệu trực tuyến, các diễn đàn và ứng dụng trực tuyến đang tạo ra không gian để cộng đồng người Việt giao lưu, chia sẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết, truyền thống, quảng bá và giới thiệu văn hóa, các sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc dân tộc Việt đến với đông đảo bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Nguy cơ bị hòa tan các nét bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập vào đời sống kinh tế - xã hội của nước sở tại và tiếp xúc với các yếu tố văn hóa đa dạng nhờ nền tảng số. Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc càng đáng quan tâm hơn trong nhóm thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương đã chia sẻ một số gợi ý với mong muốn Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungarry và các nước châu Âu tiếp tục quan tâm, đổi mới, tận dụng công nghệ số trong các hoạt động để hỗ trợ phụ nữ Việt Nam ở châu Âu, kết nối với phụ nữ Việt Nam ở trong nước giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc:
1. Với vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài càng có vai trò quan trọng trong trao truyền giá trị Việt cho thế hệ trẻ có dòng máu Việt ở nước ngoài, và điều đầu tiên là giúp các con học tiếng Việt để có thể hiểu sâu sắc hơn giá trị bản sắc dân tộc Việt.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030". Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động, xây dựng các nền tảng để truyền thông về giá trị bản sắc dân tộc Việt. Như Báo Phụ nữ Việt Nam có chuyên trang điện tử Hoa đất Việt, Nhà xuất bản phụ nữ có rất nhiều đầu sách giấy và sách điện tử về lịch sử, văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam cũng có những triển lãm trực tiếp và trực tuyến về văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, về phụ nữ Việt Nam các dân tộc, các thời kỳ. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những nền tảng hữu ích cho sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị dân tộc Việt tới cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài.
2. Đề xuất, phối hợp với các ngành chức năng tại nước sở tại thúc đẩy các chương trình ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền, lan tỏa việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc dân tộc Việt Nam, triển khai các chương trình dạy tiếng Việt, kết nối với phụ nữ trong nước xúc tiến thương mại, tuyển dụng xuất khẩu lao động. Trang bị cho phụ nữ Việt Nam ở châu Âu các kỹ năng số và hỗ trợ họ chuyển đổi, bắt kịp với xu thế việc làm của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để bảo đảm phụ nữ "không bị bỏ lại phía sau". Đồng thời, giúp phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ trẻ, nữ vị thành niên hiểu có kỹ năng để phòng ngừa các hình thức bạo lực trực tuyến, đặc biệt bạo lực trên cơ sở giới và trên cơ sở sắc tộc.
3. Hưởng ứng triển khai phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" (có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước). Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong kết nối với doanh nghiệp nữ trong nước xúc tiến thương mại điện tử; thúc đẩy tăng tỷ lệ học sinh nữ, phụ nữ tham gia các chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); đây được xem là chìa khóa thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu sôi nổi hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã cam kết đỡ đầu gần 60 cháu và ủng hộ bằng tiền mặt là 3.700 Euro và 400.000 Forint (tiền Hungary) cho Chương trình mẹ đỡ đầu (khoảng 120 triệu đồng).
Nguồn: Ban Quốc tế - TW Hội LHPN Việt Nam