Phụ nữ Hàn Quốc không còn sợ tuổi 30

Từng sợ bước qua tuổi 30 mà chưa lập gia đình, Gwak Min-ji (38 tuổi) hiện cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống không chồng, không con của mình.

 Nhiều phụ nữ Hàn Quốc có xu hướng từ bỏ hôn nhân. Ảnh: Ed Jones.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc có xu hướng từ bỏ hôn nhân. Ảnh: Ed Jones.

Căn hộ một người của Gwak Min-ji, nhà biên kịch sống một mình trong căn hộ ở Seoul (Hàn Quốc), có một cây cột để cô có thể thực hiện bài tập múa yêu thích của mình. Cô cũng sở hữu một tủ lạnh trữ rượu và một chiếc gối riêng cho chó cưng Jinga, theo The Washington Post.

Trước đây, cô từng sợ hãi trước viễn cảnh bước sang tuổi 30 - một ngưỡng xác định cho chuyện kết hôn đối phụ nữ trẻ Hàn Quốc. Nhưng hiện cô đã thay đổi suy nghĩ đó.

"Sao tôi lại không biết rằng cuộc sống của phụ nữ độc thân ở cuối những năm 30 tuổi lại có thể vui vẻ đến vậy?", cô chia sẻ.

 Gwak Min-ji sống độc thân hạnh phúc với chú chó cưng ở Seoul. Ảnh: Min Joo Kim/The Washington Post.

Gwak Min-ji sống độc thân hạnh phúc với chú chó cưng ở Seoul. Ảnh: Min Joo Kim/The Washington Post.

Gwak thực hiện các podcast về bihon, thuật ngữ tiếng Hàn mới dùng để chỉ việc “tự nguyện không kết hôn”. Các cuộc trò chuyện của cô nói về những niềm vui, cũng như áp lực khi sống độc thân trong một xã hội vẫn hướng về hôn nhân của Hàn Quốc.

Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc đang từ chối “dấu mốc tuổi 30 trọng đại” này. Họ trì hoãn hoặc trốn tránh kết hôn, coi hôn nhân là con đường dẫn đến sự cực khổ.

Đây là thách thức lớn đối với xứ kim chi và các nước châu Á khác. Chính phủ nước này đang thúc đẩy một số chính sách nhằm cải thiện tình hình, nhưng chưa thấy kết quả khả quan.

Từ bỏ hôn nhân hoàn toàn

Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 40% hộ gia đình hiện nay chỉ có một người. Tỷ lệ kết hôn và mức sinh của quốc gia này cũng giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy khoảng 193.000 cuộc hôn nhân được đăng ký vào năm 2021, giảm gần 10% so với năm trước và là con số thấp nhất kể từ khi việc lưu trữ hồ sơ bắt đầu vào năm 1970.

 Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất lịch sử. Ảnh: Lee Jin-man/AP.

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất lịch sử. Ảnh: Lee Jin-man/AP.

Số ca sinh cũng giảm còn 5 trên 1.000 người, đưa Hàn Quốc vào vị trí cuối danh sách tỷ lệ sinh của các quốc gia phát triển.

Các xu hướng nhân khẩu học tương tự cũng đang xảy ra ở Nhật Bản và Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo về tình trạng giảm dân số, thu hẹp lực lượng lao động và nền kinh tế.

Theo các quan chức và chuyên gia, sự suy giảm này do những người trẻ, nhất là nữ giới, ưu tiên tự do cá nhân và sự nghiệp hơn là lối sống gia đình truyền thống.

Để cải thiện tình hình, chính phủ nỗ lực tổ chức các bữa tiệc mai mối trên khắp Hàn Quốc, đặc biệt ở các vùng nông thôn đang già đi nhanh chóng.

Chính quyền trung ương ở Seoul đã chỉ định 89 tỉnh thành là “khu vực suy giảm dân số”, đồng thời phân bổ 1.000 tỷ won (hơn 700 triệu USD) hàng năm nhằm hỗ trợ mai mối, từ đó thúc đẩy hôn nhân và sinh đẻ.

Nhân khẩu học thậm chí định hình lại các doanh nghiệp trong việc phục vụ nhóm khách hàng ở độ tuổi 30-40.

 Các nhà cung cấp dịch vụ đang thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm khách đi một mình. Ảnh: Steve Cho/Penta Press/REX/Shutterstock.

Các nhà cung cấp dịch vụ đang thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm khách đi một mình. Ảnh: Steve Cho/Penta Press/REX/Shutterstock.

Công ty bất động sản hiện cho thuê từng phòng riêng lẻ trong căn hộ chung cư. Nhà hàng cung cấp bếp nướng BBQ nhỏ phục vụ khách đi một mình. Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đang phát triển các ứng dụng an toàn cá nhân cho những người sống một mình, với nữ giới là mục tiêu hàng đầu.

Nhưng cùng với đó, phụ nữ Hàn Quốc, có học vấn cao và việc làm tốt hơn bao giờ hết, đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc khi quá ngưỡng tuổi kết hôn và sinh đẻ truyền thống.

Họ phải chịu mức lương bất bình đẳng, bị quấy rối và ít có cơ hội thăng tiến. Bên cạnh đó, trách nhiệm gia đình vẫn phụ thuộc chủ yếu vào phụ nữ - những người thường hy sinh nghề nghiệp cho chồng và con cái.

Khi đối mặt với hàng loạt khó khăn này, một số người từ bỏ hôn nhân hoàn toàn.

Nỗ lực mai mối của quốc gia

Không riêng phụ nữ, nhiều đàn ông cũng đang cân nhắc chuyện kết hôn. Một số người yêu thích sự độc thân, một số khác cảm thấy áp lực khi trở thành thành viên cung cấp tài chính cho cả gia đình.

Theo một khảo sát trên 10.000 người của chính phủ Hàn Quốc vào năm 2021, áp lực trở thành trụ cột gia đình là lý do hàng đầu khiến một thế hệ quay lưng lại với hôn nhân.

Park Jong-young là một trong số đó. Lính cứu hỏa 35 tuổi gần đây đã tham gia một bữa tiệc mai mối được tổ chức tại huyện Hamyang, tỉnh Nam Gyeongsang.

 Giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang có xu hướng quay lưng với hôn nhân. Ảnh: Anthony Wallace/AFP.

Giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang có xu hướng quay lưng với hôn nhân. Ảnh: Anthony Wallace/AFP.

Trước đây, Park từng được bạn bè giới thiệu một số cô gái, nhưng họ đánh giá chàng trai là “khá xa cách và kén chọn”.

“Cha mẹ và họ hàng đang nài nỉ tôi tìm vợ, nhưng việc đó khó hơn mong đợi. Và thậm chí, tôi còn không biết mình có muốn lập gia đình hay không nữa”, anh chia sẻ.

Dù tương tác ảo phổ biến trong thời gian đại dịch, các ứng dụng hẹn hò chưa thực sự phổ biến ở xứ kim chi, một phần do văn hóa ưa thích tạo kết nối trực tiếp. Park cho biết anh đăng ký tham gia tiệc gặp gỡ và giao lưu ở địa phương vì “cảm thấy an toàn và bớt khó xử hơn khi mọi người ở đây đều biết điều gì sẽ xảy ra”.

Mỗi người tham gia sẽ điền một mẫu đơn gồm tuổi, địa chỉ, nơi làm việc và chức vụ. Giới chức huyện Hamyang sẽ kiểm tra thông tin. Sau đó, họ lập danh sách liệt kê tên tuổi, nghề nghiệp của 18 thành viên nam và 16 thành viên nữ có mặt trong buổi gặp gỡ, rồi phát cho từng người trước khi bắt đầu bữa tiệc.

“Buổi gặp mặt đáng tin cậy hơn hẹn hò trực tuyến. Mọi người cũng cảm thấy thoải mái hơn so với chuyện gặp gỡ 1-1”, Kang Suk-soon, quan chức phụ trách chính sách dân số của huyện, cho biết. Bên cạnh đó, tất cả chi phí tổ chức sẽ do chính quyền chi trả.

Chính sách không thuyết phục

Hamyang và hàng chục huyện khác đang cung cấp những ưu đãi tiền mặt trị giá hàng triệu won nhằm khuyến khích người độc thân địa phương kết hôn. Họ cũng trao thêm tiền cho những cặp sinh con.

Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp trên, số trẻ được sinh ra ở Hamyang vẫn sụt giảm, và lần đầu xuống dưới mốc 100 vào năm ngoái.

 Chính sách tặng tiền của chính phủ không đủ thuyết phục người trẻ kết hôn và sinh con. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Chính sách tặng tiền của chính phủ không đủ thuyết phục người trẻ kết hôn và sinh con. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Theo các chuyên gia khoa học xã hội, những khoản trợ cấp khuyến khích chỉ diễn ra một lần, không đủ thuyết phục giới trẻ kết hôn. Đặc biệt, chế độ phụ hệ vẫn còn ăn sâu trong hôn nhân ở Hàn Quốc.

“Chính phủ vẫn lấy hôn nhân làm cơ sở để ban phát lợi ích xã hội cho công dân. Điều này là sự thiếu tôn trọng và phân biệt đối xử với thế hệ trẻ Hàn Quốc - những người coi hôn nhân là thể chế lỗi thời. Không dễ để thuyết phục họ kết hôn nữa”, Lee You-na, nhà nghiên cứu tại một viện có trụ sở tại Seoul, tập trung vào thành phần gia đình, bình đẳng và quyền, cho biết.

Bên cạnh đó, một số quan chức đang kêu gọi cải cách. Hiện phần lớn người Hàn Quốc độc thân bị gạt ra ngoài lề các dịch vụ xã hội tập trung cho hộ gia đình truyền thống.

Cha Hae-young (35 tuổi), ủy viên hội đồng quận Mapo của Seoul và là quan chức thuộc cộng đồng LGBT công khai đầu tiên ở nước này, đang thúc đẩy kế hoạch “tập thể độc thân” nhằm đáp ứng nhu cầu phúc lợi cho những cá nhân sống một mình.

Cha là người đi đầu trong việc xây dựng cộng đồng ở quận, nơi mà gần 1/2 hộ gia đình chỉ có một thành viên. Một trong những hoạt động mà cô tổ chức là biến nhà bếp của mình thành “nhà hàng” nhỏ, để những người độc thân có thể tụ tập, ăn uống và chụp ảnh cùng nhau.

“Chúng tôi hình thành một xã hội nơi các cá nhân không phải dựa vào mối quan hệ ruột thịt hay hôn nhân để được chăm sóc. Dù kết hôn hay không, chúng tôi xứng đáng được quan tâm”, Cha chia sẻ.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-han-quoc-khong-con-so-tuoi-30-post1369479.html