Phụ nữ Lang Chánh với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế
Thời gian qua, Hội LHPN huyện Lang Chánh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhờ đó, đời sống của hội viên phụ nữ từng bước được cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mô hình cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao của gia đình chị Lê Thị Thuật ở thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương.
Chúng tôi cùng cán bộ Hội LHPN huyện Lang Chánh đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Lê Thị Thuật, 38 tuổi, dân tộc Mường ở thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương. Chị Thuật cho biết: Khi mới lập gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Hầu như toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình chủ yếu trồng cây mía và cây lâm nghiệp nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do hội LHPN, hội nông dân xã tổ chức, năm 2014 vợ chồng chị quyết định chuyển đổi 2 ha diện tích trồng mía và cây lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả. Bước đầu, chị quy hoạch trồng 350 gốc bưởi da xanh, trên 400 cây cam canh. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên diện tích cây ăn quả của gia đình phát triển tốt. Đến nay, diện tích cây ăn quả của gia đình chị mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng cây ăn quả, gia đình chị tiếp tục đầu tư trồng thêm 500 cây ổi lê Đài Loan và hàng chục cây cau lùn.
Bà Lê Thị Kiêu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lang Chánh, cho biết: Nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua hội đã đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các phòng, ban chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Vận động hội viên trồng cây dược liệu, cây gai xanh và chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội chủ động rà soát, nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định nguyên nhân đói nghèo, từ đó phân công hội viên nòng cốt, hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ.
Cùng với đó, hội phối hợp với các ngân hàng nông nghiệp, chính sách xã hội hỗ trợ cho 3.503 hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với số tiền trên 248 tỷ đồng. Phối hợp với Chương trình phát triển vùng Lang Chánh hỗ trợ cho 2.405 hội viên vay vốn, với số tiền trên 32 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội duy trì và hoạt động có hiệu quả 117 tổ nhóm tiết kiệm, với số tiền trên 1.136 triệu đồng, cho 3.411 hội viên vay xoay vòng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tu sửa nhà vệ sinh... Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hội đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh trao tặng con giống và hỗ trợ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai do phụ nữ làm chủ tại xã Yên Khương. Ngoài ra, hội tiếp tục duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại các xã Giao Thiện, Lâm Phú, Yên Khương.
Những việc làm thiết thực, hiệu quả của Hội LHPN huyện Lang Chánh đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ trong huyện.