Phụ nữ Lạng Sơn tự tin khởi nghiệp

– Những năm gần đây, phụ nữ Lạng Sơn càng khẳng định vai trò, vị thế trên các lĩnh vực, trong đó có khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển, lan tỏa trong các cấp hội, với nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu, đạt nhiều giải thưởng ở các cấp.

Các đại biểu tham quan gian hàng của phụ nữ tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023

Các đại biểu tham quan gian hàng của phụ nữ tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023

Phong trào phụ nữ khởi nghiệp được khởi nguồn từ thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 939 ngày 30/6/2017 (Đề án 939). Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 157 ngày 12/9/2017 về “Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Lạng Sơn khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp

Hiện nay, các hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh không còn xa lạ với phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhiều chị em tự tin, mạnh dạn xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình để tham gia dự thi tại các cuộc thi khởi nghiệp từ cấp huyện đến cấp trung ương.

Với ý tưởng “Mô hình kinh doanh dịch vụ tại Homestay Gốc đa”, chị Hoàng Thị Hà, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đoàn Kết, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đạt giải ý tưởng xuất sắc tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023. Chị Hà cho biết: Trước đây, khi nghe phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tôi thấy đây là vấn đề lớn, khó thực hiện. Nhưng sau khi được các cấp hội tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ tôi mạnh dạn xây dựng ý tưởng tham gia dự thi, từ mô hình kinh doanh của chính gia đình mình. Qua cuộc thi tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, cũng là cơ hội để tôi giới thiệu mô hình dịch vụ đến nhiều người. Mô hình Homestay Gốc đa được gia đình tôi thực hiện từ năm 2022 với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm thu hoạch nông sản và bày bán sản phẩm truyền thống của người dân như đồ thêu thùa, đan lát. Trung bình mỗi năm, homestay đón gần 2.000 lượt khách, với doanh thu khoảng 300 triệu đồng.

Từ năm 2017 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh duy trì tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh hằng năm, với các hoạt động thuyết trình, giới thiệu ý tưởng, dự án; trưng bày sản phẩm… Với số lượng, chất lượng các ý tưởng, dự án tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước. Các ý tưởng, dự án ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm bản địa, nhiều hội viên phụ nữ cũng đã xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp dựa trên các tiềm năng, thế mạnh tại cơ sở và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường… Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên các lĩnh vực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp các cấp, trong đó có trên 200 ý tưởng tham dự các cuộc thi cấp trung ương, cấp tỉnh.

Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án 939, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và vị trí, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức diễn đàn, hội thi, Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến, ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải tại các cuộc thi; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… Cùng đó tăng cường tổ chức các khóa học về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tập huấn khoa học kỹ thuật; đa dạng các hoạt động hỗ trợ, đồng hành nâng chất lượng hoặc đưa ý tưởng, dự án vào hiện thực.

Chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng kiểm tra chất lượng hồng treo gió

Chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng kiểm tra chất lượng hồng treo gió

Ghi danh tại các cuộc thi

Không chỉ lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong tỉnh, trong 3 năm gần đây phụ nữ Lạng Sơn đã ghi danh tại các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp khu vực phía Bắc, cấp trung ương, với 9 ý tưởng đạt giải. Tiêu biểu như: dự án “Sản xuất trà diếp cá Lụa Vy” của chị Vy Thị Lụa, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến nông sản Lụa Vy, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đạt giải “Nâng tầm sản phẩm OCOP”, giải cao nhất tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức; dự án “Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới Xứ Lạng” của chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng đạt giải nhất Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức; dự án “Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán rừng hồi từ tài nguyên bản địa, gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn” của chị Hoàng Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình Gia giành giải nhì cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ” được phát sóng trên kênh VTV3…

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên các lĩnh vực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp các cấp, trong đó có trên 200 ý tưởng tham dự các cuộc thi cấp trung ương, cấp tỉnh.

Chị Hoàng Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Điều tôi thấy tâm đắc, ý nghĩa nhất từ các cuộc thi, chương trình thực tế là tôi đã vượt qua được rào cản tâm lý của phụ nữ dân tộc thiểu số, ở vùng còn khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, tôi đã chiến thắng chính bản thân mình. Trong cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ”, rất nhiều thứ lần đầu tiên tôi làm như: thuyết trình dự án trước đám đông, quay video giới thiệu sản phẩm thu hút khách hàng mục tiêu, quản trị rủi ro khi kinh doanh trực tuyến… Sau cuộc thi, tôi nhận được sự hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là được đầu tư máy ép dầu sở là một trong những điều kiện thuận lợi để tôi có thể tiếp tục phát triển dự án của mình.

Vừa trở về từ Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ phát huy tài nguyên bản địa” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng còn nguyên cảm giác hạnh phúc, xúc động khi giành giải nhất cuộc thi. Chị Thương chia sẻ: Vượt qua các vòng loại với hàng trăm ý tưởng, dự án của các tỉnh, thành phố trong cả nước, tôi vinh dự được lọt vào vòng chung kết và đạt giải. Tại cuộc thi, tôi học hỏi, tham khảo được rất nhiều hướng xây dựng, phát triển các dự án của tỉnh bạn, được gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành về phát triển kinh tế. Cuộc thi mở ra cho tôi nhiều hướng đi mới để phát triển mô hình. Sau cuộc thi, tôi nhận được nhiều lời mời kết hợp của các nhà phân phối, nhà đầu tư. Nếu doanh thu từ mô hình năm 2022 đạt 3 tỷ đồng, thì trong 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt 5 tỷ đồng. Tôi mong muốn thời gian tới sẽ phát triển mô hình theo hướng du lịch trải nghiệm nông nghiệp, để nhiều người biết đến thương hiệu hồng treo gió Lạng Sơn. Hiện tại, hồng treo gió chỉ bảo quản được trong thời gian khoảng 1 tháng, thời gian tới tôi sẽ kết hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu bảo quản hồng được lâu hơn, đảm bảo xuất khẩu ra một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Các kết quả trên là minh chứng rõ nét cho sự phát triển, tự tin vươn lên của các hội viên đạt giải nói riêng và phụ nữ tỉnh Lạng Sơn nói chung trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Để có được kết quả đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động triển khai bài bản phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngay từ đầu năm, tăng cường tuyên truyền, vận động, tìm kiếm ý tưởng mới, sáng tạo, có tính khả thi cao, tiêu biểu để tham gia các cuộc thi cấp trung ương phù hợp với chủ đề, tiêu chí từng năm do Hội LHPN Việt Nam đề ra. Sau khi qua vòng thi cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh, huyện đồng hành, hỗ trợ các tác giả hoàn thiện ý tưởng, dự án, tập huấn khả năng thuyết trình cho các ứng viên. Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 30 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 1.200 cán bộ, hội viên phụ nữ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hiện thực hóa các ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội kết nối các chương trình tín dụng chính sách trong hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ khởi nghiệp với tổng số vốn trên 3,7 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, phong trào phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao. Câu chuyện của chị Lụa, chị Ngọc, chị Thương đã và đang truyền cảm hứng cho hội viên phụ nữ toàn tỉnh trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Mỗi phụ nữ Lạng Sơn ngày càng tự tin hơn, vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định vị thế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

DƯƠNG DUYÊN - THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/618492-phu-nu-lang-son-tu-tin-khoi-nghiep.html