Phụ nữ Mường gìn giữ tín ngưỡng, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống Tết Doi

Giữa nhịp sống hiện đại, phụ nữ dân tộc Mường ở xã Thu Cúc (tỉnh Phú Thọ) vẫn lặng lẽ gìn giữ và phát huy lễ hội Tết Doi - một di sản văn hóa đặc sắc, gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng nông nghiệp và truyền thống trồng lúa nước.

 Theo các bậc cao niên ở xứ Mường xã Thu Cúc, Tết Doi khởi phát từ xa xưa, gắn với câu chuyện huyền thoại về nàng Cúc lặn lội đi tìm giống lúa về cứu đói cho người Mường

Theo các bậc cao niên ở xứ Mường xã Thu Cúc, Tết Doi khởi phát từ xa xưa, gắn với câu chuyện huyền thoại về nàng Cúc lặn lội đi tìm giống lúa về cứu đói cho người Mường

Từ vai trò gìn giữ nghi lễ thiêng liêng đến việc lan tỏa giá trị văn hóa qua cộng đồng, những người phụ nữ nơi đây đang góp phần bảo tồn hồn cốt văn hóa dân tộc, truyền lại cho thế hệ mai sau.

Di sản gắn kết quá khứ và hiện tại

Tết Doi, hay còn gọi là lễ hội xuống đồng, diễn ra vào mùng 7, 8 tháng Giêng hằng năm, được xem là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của đồng bào Mường xã Thu Cúc. Theo nghệ nhân Hoàng Văn Dương, Tết Doi khởi phát từ truyền thuyết nàng Cúc, người con gái đẹp người, đẹp nết, chăm chỉ đã đi khắp các bản làng để tìm giống lúa cứu dân làng thoát khỏi nạn đói. Dù không trở về trọn vẹn, bó lúa nàng để lại đã trở thành nguồn sống, mang lại no ấm cho cả cộng đồng.

Người dân gói bánh đón lễ hội

Người dân gói bánh đón lễ hội

Để tưởng nhớ công ơn nàng Cúc, người dân dựng miếu thờ cạnh cửa Mường và hằng năm dâng lễ vật, tổ chức lễ hội, cầu mong mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no. Những bó lúa chắc mẩy được chọn làm vật thiêng, rước về miếu thờ trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã khắp bản.

Theo nghệ nhân Hoàng Văn Dương, Tết Doi không chỉ đơn thuần là một lễ hội cầu mùa, mà còn thể hiện sâu sắc triết lý nhân sinh, gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp lúa nước của người Mường. Nghi thức rước vía lúa tượng trưng cho việc "gọi cơm gạo từ mường Trời", cầu mong hồn lúa ở lại, mang đến mùa màng trĩu bông, đầy kho. Đây còn là dịp để dân bản cùng chia sẻ kinh nghiệm gieo trồng, nhắc nhở nhau gìn giữ giống lúa quý và bảo vệ nguồn nước, rừng núi, những yếu tố then chốt cho sinh kế bền vững.

Đây là phong tục cổ truyền mang đậm giá trị nhân văn của người dân bản Mường

Đây là phong tục cổ truyền mang đậm giá trị nhân văn của người dân bản Mường

Bên cạnh giá trị tinh thần, Tết Doi còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong lễ hội, thế hệ trẻ được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm những nghi thức cổ truyền, hiểu rõ về nguồn cội và trân trọng hạt lúa - biểu tượng của sự sống và no đủ. Mỗi động tác rước vía lúa, mỗi nhịp trống, tiếng chiêng vang lên đều hàm chứa bài học về sự gắn bó với thiên nhiên, với đất đai, và lòng biết ơn đối với tổ tiên.

Trong mắt các nghệ nhân cao tuổi, Tết Doi không chỉ là một lễ hội, mà còn là "cuốn sách sống" truyền lại bao giá trị, niềm tin và tri thức canh tác. Những câu chuyện về nàng Cúc, về các mùa lúa xưa cũ, được kể lại qua từng thế hệ, giúp cộng đồng gắn kết và giữ vững bản sắc. Đối với đồng bào Mường, tín ngưỡng nông nghiệp không chỉ gắn với niềm tin thần linh mà còn là cách họ tôn trọng, bảo vệ môi trường và duy trì nền nông nghiệp bền vững.

Điểm đặc biệt của Tết Doi chính là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn và hoạt động cộng đồng. Các điệu múa, trò chơi dân gian không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu năm mà còn khuyến khích tinh thần đoàn kết, chia sẻ. Trong khung cảnh mây núi bồng bềnh, cánh đồng lúa xanh mướt, lễ hội trở thành dịp hội tụ tâm hồn của cả bản Mường, làm sống dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương sâu sắc.

Phụ nữ giữ vai trò "hạt nhân" lan tỏa giá trị văn hóa

Chị Hoàng Thị Minh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Thu Cúc - chia sẻ, trong các nghi lễ Tết Doi, phụ nữ đảm nhiệm vai trò quan trọng: Chuẩn bị lễ vật, nhuộm xôi màu, chọn hoa quả, đảm bảo mọi thủ tục được thực hiện đúng phong tục cổ xưa. Họ cũng chính là những người truyền lại cho con cháu cách thờ cúng, ý nghĩa từng nghi lễ và tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Ngoài các nghi lễ cổ truyền, người dân còn tổ chức các hoạt động văn hóa như đâm đuống, chạm ống. Đây là những động tác biểu tượng cho công việc giã lúa, giã gạo với mong ước lúa gạo luôn đầy cối để được no đủ quanh năm

Ngoài các nghi lễ cổ truyền, người dân còn tổ chức các hoạt động văn hóa như đâm đuống, chạm ống. Đây là những động tác biểu tượng cho công việc giã lúa, giã gạo với mong ước lúa gạo luôn đầy cối để được no đủ quanh năm

Trong các hoạt động văn hóa như múa mỡi, múa sạp, múa chuông hay các trò chơi dân gian, phụ nữ không chỉ tham gia biểu diễn mà còn đứng ra tổ chức, tập luyện cho thanh thiếu niên, khơi dậy niềm tự hào bản sắc dân tộc của mình. Chị Minh Thảo nhấn mạnh: "Tết Doi không chỉ là dịp để cầu mùa mà còn là cơ hội để các chị em thể hiện vai trò gìn giữ và lan tỏa văn hóa đặc sắc của người Mường. Việc phụ nữ tham gia vào lễ hội còn giúp khẳng định vị thế, khơi dậy tinh thần tự tin và sáng tạo của chị em trong cộng đồng".

Nhờ có sự chung tay của Hội LHPN, Tết Doi dần được quảng bá rộng rãi hơn, thu hút nhiều du khách, nhà nghiên cứu văn hóa đến tìm hiểu. Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ từ Dự án 8 về nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn học hỏi, tự tin đứng ra đảm nhận các phần việc trong lễ hội. Họ không chỉ góp phần bảo tồn lễ hội mà còn học cách ứng dụng công nghệ, quảng bá hình ảnh quê hương trên mạng xã hội, mang lại nguồn thu nhập từ du lịch và sản phẩm địa phương.

Tết Doi trở thành một phong tục cổ truyền được bảo tồn từ đời này sang đời khác ở xứ Mường Thu Cúc

Tết Doi trở thành một phong tục cổ truyền được bảo tồn từ đời này sang đời khác ở xứ Mường Thu Cúc

Đặc biệt, việc khuyến khích phụ nữ tham gia bảo tồn văn hóa không chỉ nâng cao nhận thức mà còn thay đổi tư duy "phụ nữ chỉ lo nội trợ". Nay, họ trở thành nhân tố tiên phong lan tỏa giá trị văn hóa, khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội.

Bộ VHTT&DL vừa quyết định đưa Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng "Tết Doi" của người Mường xã Thu Cúc, tỉnh Phú Thọ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những bước chân nhịp nhàng trên đường rước vía lúa, những tiếng chiêng vang vọng núi rừng, những mẻ xôi dẻo thơm dâng cúng nàng Cúc… Tất cả tạo nên một bức tranh văn hóa đầy sống động, đậm đà bản sắc của người Mường Thu Cúc. Trong bức tranh ấy, vai trò của phụ nữ trở nên mạnh mẽ, không chỉ ở việc chuẩn bị, tổ chức mà còn ở tinh thần gìn giữ và phát triển, giúp lễ hội Tết Doi ngày càng lan tỏa, chạm đến trái tim nhiều thế hệ.

Ngày nay, phụ nữ xã Thu Cúc không chỉ biết gìn giữ hạt giống lúa quý, mà còn biết "gieo" hạt giống văn hóa, truyền thống, khát vọng vươn lên. Tết Doi không chỉ là dịp cầu mùa, mà còn là nơi thể hiện sức sống bền bỉ, tinh thần đoàn kết và khát vọng no ấm của người Mường. Và trong hành trình ấy, hình ảnh những người phụ nữ lặng thầm nhưng bền bỉ chính là "hạt giống" quý giá nhất, giúp văn hóa truyền thống tiếp tục nảy mầm và phát triển.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-muong-gop-phan-gin-giu-tin-nguong-lan-toa-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tet-doi-20250714143934486.htm