Phụ nữ người Mông vượt qua định kiến, phát triển kinh tế gia đình bằng những mô hình thiết thực

Những năm gần đây, phụ nữ dân tộc Mông ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã góp phần phá vỡ những định kiến cũ, chủ động quyết định hướng phát triển kinh tế gia đình bằng những mô hình chăn nuôi thiết thực.

 Chị Vù Thị Dua (bên trái) trao đổi về mô hình chăn nuôi lợn đen của gia đình.

Chị Vù Thị Dua (bên trái) trao đổi về mô hình chăn nuôi lợn đen của gia đình.

Người Mông ở xã Nậm Chày trước kia vốn sống khá khép kín, nên đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã luôn chiếm tỷ lệ hơn 15%, và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm hơn 48%. Đây là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thuộc loại cao nhất huyện Văn Bàn.

Các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, đã luôn đồng hành hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế, cuộc sống dần thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.

Chị Vù Thị Dua, ở thôn Hỏm Dưới, xã Nậm Chày ngoài trồng trọt canh tác ruộng nước, chị đang sở hữu mô hình chăn nuôi giống lợn đen truyền thống của địa phương với hơn 30 con, hằng năm đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Sự chủ động phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen, đã tạo ra sự phát triển bền vững mô hình kinh tế của gia đình. Đến mùa giáp hạt, gia đình không còn rơi vào cảnh thiếu thốn như xưa.

Chị Dua chia sẻ: “Lúc trước tôi còn e ngại chưa dám làm, nhưng vài năm trở lại đây, tôi thấy cần phải thay đổi, vay vốn chăn nuôi thêm, bởi lợn đen rất dễ nuôi, không hay ốm và bán được giá”.

Phụ nữ người dân tộc Mông từ xưa chỉ biết làm, mọi việc tính toán trong nhà đều do người chồng, nhưng ngày nay chị em đã thay đổi nhận thức. Các chị cũng chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, bàn với chồng về kế hoạch làm ăn, chăn nuôi. Khi làm được rồi thì vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng được khẳng định, chị Dua cho hay.

Ngày nay, ở xã Nậm Chày, rất nhiều phụ nữ đã chủ động vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội thông qua Hội LHPN xã để phát triển kinh tế gia đình, ngoài việc chăn nuôi như mô hình nhà chị Vù Thị Dua, thì nhiều chị em còn phát triển mô hình trồng gừng thay cho các cây trồng truyền thống như ngô, đậu, hiệu quả kinh tế không cao.

Chị Sùng Thị Cở, thôn Nậm Chày, xã Nậm Chày cho biết: “Khi thấy trồng ngô không còn hiệu quả, tôi đã chủ động bàn với chồng chuyển qua trồng cây gừng. Chồng tôi cũng ủng hộ bởi trồng gừng, không mất nhiều công chăm sóc, mà mang lại thu nhập cao hơn trồng ngô".

Bà Sùng Thị Chấu, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (bên phải): Phụ nữ người Mông ở xã Nậm Chày còn chủ động phát triển cây giống để trồng rừng

Bà Sùng Thị Chấu, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (bên phải): Phụ nữ người Mông ở xã Nậm Chày còn chủ động phát triển cây giống để trồng rừng

“Phụ nữ người Mông ở đây rất chịu khó làm ăn. Trước đây, chị em thường ngại giao tiếp, ngại thay đổi, nên đời sống còn nhiều khó khăn, chị em chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Với sự tuyên truyền vận động của Hội LHPN và được hỗ trợ nguồn vốn, chị em đã có những thay đổi tích cực, chủ động phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ người Mông”.

Bà Sùng Thị Chấu, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-nguoi-mong-vuot-qua-dinh-kien-phat-trien-kinh-te-gia-dinh-bang-nhung-mo-hinh-thiet-thuc-20240526194500878.htm