Phụ nữ Nhật kiệt quệ cả tài chính và tinh thần vì Covid-19
Thách thức bủa vây do dịch Covid-19, nhiều phụ nữ Nhật Bản lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí tìm đến cách giải quyết cực đoan.
Khi các ca Covid-19 gia tăng trên toàn cầu cũng là lúc nhà trẻ nơi Ayako Sato (ngoài 40 tuổi) làm việc phải đóng cửa tạm thời theo chương trình chống dịch của chính phủ Nhật Bản.
Bà mẹ 2 con cứ nghĩ chỉ cần thắt lưng buộc bụng trong khoảng vài tuần là ổn và sẽ sớm được đi làm trở lại. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, theo The Guardian.
Nhiều tháng sau khi bị nghỉ việc, Sato thường xuyên phải nhịn đói chỉ để nhường phần ăn cho các con, chứ chưa nói đến có thể tiết kiệm tiền học phí đại học cho con gái lớn.
"Tôi yêu trẻ con và thực sự muốn làm việc ở nhà trẻ nhưng nhiều phụ huynh muốn tiếp tục giữ con ở nhà thay vì đưa đến trường trở lại. Tôi cũng không thể tìm việc gì khác từ trung tâm việc làm", cô chia sẻ.
Sato đã tận dụng hết mức các khoản phúc lợi và hỗ trợ 100.000 yen của chính phủ. Tuy nhiên đến mùa hè này, cả tài chính và tinh thần của cô đều đã kiệt quệ.
Không chỉ Sato, tính đến cuối năm 2020, hơn 80.000 người Nhật bị mất việc do dịch bệnh.
Đặc biệt, việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ. Dù số lượng nữ giới tham gia lực lượng lao động tăng mạnh trong những năm gần đây song phần lớn làm việc trong ngành dịch vụ, giải trí, bán lẻ, khách sạn và các công việc không thường xuyên được trả lương thấp, chiếm khoảng 40% thị trường lao động Nhật Bản.
“Phụ nữ chiếm đa số trong các công việc không thường xuyên. Khi trường học đóng cửa, các gia đình phải vật lộn với việc chăm sóc con cái, đồng nghĩa với việc các bà mẹ phải ở nhà", Machiko Osawa, giáo sư kinh tế tại Đại học Phụ nữ Tokyo, cho biết.
Vấn đề sống còn
Trong cuộc khảo sát vào tháng 11/2020 của Viện Đào tạo và Chính sách Lao động Nhật Bản, khoảng 60% các hộ gia đình cha/mẹ đơn thân cho biết hoàn cảnh sống của họ ngày càng tồi tệ, hơn 1/3 nói không còn khả năng mua đủ thực phẩm dùng.
Tình trạng mất việc làm tăng cao cũng tạo áp lực lên các ngân hàng lương thực. Tháng 2 vừa qua, chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên phải giải phóng gạo dự trữ cho các tổ chức từ thiện. Trong khi đó, các công ty dịch vụ tiện ích cũng nhận được ngày càng nhiều yêu cầu xin hoãn thanh toán hóa đơn.
Đầu tháng 3, chính phủ xứ anh đào bắt đầu thảo luận về chương trình hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp thứ 2, lần này dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Chieko Akaishi, người đứng đầu Diễn đàn phi lợi nhuận cho các bà mẹ đơn thân, cho biết trong năm qua, số phụ nữ gọi và email đến tổ chức tìm sự giúp đỡ tăng mạnh.
“Nhiều người trong số họ mất việc làm và đang phải vật lộn để chu cấp cho con cái, trả tiền thuê nhà. Việc này đã diễn ra một năm nay và gây thiệt hại rất lớn. Tôi nghe những câu 'Tôi mệt mỏi' hay 'Tôi không thể tiếp tục' rất nhiều lần. Nó đã trở thành vấn đề sống còn".
Vấn đề sức khỏe tâm thần của phụ nữ cũng ngày càng đáng lo ngại kể từ đầu năm nay. Các số liệu cho thấy tỷ lệ tự tử ở phụ nữ Nhật Bản tăng mạnh trong dịch Covid-19, ngay cả khi tỷ lệ này giảm nhẹ ở nam giới.
Cụ thể, theo Bộ Y tế Nhật Bản, trong khi số vụ tự tử ở nam giới giảm 1% vào năm 2020, tỷ lệ này ở nữ giới tăng 14,5%.
“Đối với những người độc thân, đại dịch còn khiến họ cô đơn hơn, bị ảnh hưởng tài chính vì phần lớn làm công việc được trả lương thấp và không thường xuyên. Tình trạng túng quẫn về tài chính đã khó khăn nay càng được khuếch đại bởi cảm giác bị cô lập, điều đó giúp giải thích sự gia tăng các vụ tự tử ở phụ nữ", Osawa cho biết.
Sato, đã ly hôn cách đây gần 3 năm, nói cô cảm thấy lạc quan hơn về tương lai khi vừa kiếm được công việc bán thời gian ở một văn phòng sau khi tham gia khóa học công nghệ thông tin.
“Ly hôn thật khó khăn, nhưng đó là sự lựa chọn của tôi để tạo một khởi đầu mới với các con của mình. Nhưng virus corona thì khác. Các con gái tôi đã lớn và dần có thể tự lo, nhưng tôi biết những người phụ nữ có con nhỏ đang phải trải qua một khoảng thời gian khủng khiếp. Ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn cảm thấy mình là một trong những người may mắn", cô chia sẻ.