Phụ nữ Ninh Bình tham gia gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ và cộng đồng.

Với sự tham gia tích cực của phụ nữ xã Quảng Lạc (Nho Quan), nhiều nét văn hóa đặc sắc Mường được bảo tồn, phát huy. Ảnh: Mai Lan

Với sự tham gia tích cực của phụ nữ xã Quảng Lạc (Nho Quan), nhiều nét văn hóa đặc sắc Mường được bảo tồn, phát huy. Ảnh: Mai Lan

Huyện Nho Quan là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc. Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, các câu lạc bộ văn hóa Mường đã được thành lập, trong đó có CLB Hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc (Nho Quan). Với sự nhiệt huyết của các thành viên, đặc biệt là các chị em phụ nữ, những làn điệu dân ca Mường ngọt ngào, những điệu múa truyền thống đã được khôi phục và lan tỏa.

Bà Bùi Thị Năm, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ xã Quảng Lạc, năm 2017, CLB được thành lập đã trở thành ngôi nhà chung của những người yêu văn hóa Mường, nơi chị em được cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hoạt động chủ yếu của CLB là sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục lại các làn điệu dân ca, các trò chơi truyền thống, phong tục cổ truyền của người Mường. Nhiều làn điệu dân ca, bài hát Mường, các phong tục tập quán được các thành viên luyện tập để phục vụ trong các đợt biểu diễn chào mừng các sự kiện lớn của huyện, của tỉnh và tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ với các đơn vị bạn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình... Thông qua các hoạt động này nhằm quảng bá hình ảnh về những nét đẹp văn hóa dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc nói riêng, huyện Nho Quan nói chung.

Bà Đinh Thị Điệu, thành viên CLB Hát giao duyên tiếng Mường tâm sự: Tham gia CLB, tôi không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, nền văn hóa của dân tộc Mường mà còn được học nhiều làn điệu dân ca, được tham gia các trò chơi truyền thống, qua đó giúp tôi và các chị em thêm yêu và tự hào về dân tộc mình.

Một buổi tập luyện của các thành viên Hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc (Nho Quan). Ảnh: Trường Giang

Một buổi tập luyện của các thành viên Hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc (Nho Quan). Ảnh: Trường Giang

Ông Bùi Như Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Năm 2023, từ hoạt động hiệu quả của CLB Văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc Mường thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc đã quyết định thành lập thêm 7 CLB văn hóa Mường ở các thôn, xóm còn lại. CLB Văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc Mường thôn Đồng Trung cũng đổi thành Câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường thôn Đồng Trung. Hoạt động của các CLB này hiệu quả, trong đó có vai trò to lớn của các cấp Hội phụ nữ trong xã, nhất là sự tham gia trách nhiệm, nhiệt huyết của nhiều hội viên phụ nữ là thành viên trong các CLB.

Cùng với việc vận động hội viên, phụ nữ tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo. Theo đó, hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà các chức sắc, chức việc, cơ sở tôn giáo và lực lượng cốt cán tôn giáo nhân các ngày lễ lớn; tổ chức các hội thảo, lớp bồi dưỡng cho cốt cán tôn giáo; đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống mê tín, dị đoan, phòng chống "đạo lạ"; tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình phụ nữ Công giáo tiêu biểu và nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ Công giáo, dân tộc... Đặc biệt, các cấp Hội đã xây dựng xây dựng và nhân diện các mô hình: CLB "Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường" tại các xã của huyện Nho Quan; CLB Dân ca, CLB Hát chèo ở huyện Yên Khánh, Gia Viễn; CLB hát xẩm ở huyện Yên Mô…

Bà Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong (Yên Mô) cho biết: Năm 2021, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, CLB chính thức được thành lập. Những người đến với CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu đều có chung niềm đam mê đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này. Thời gian qua, CLB đã thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các sự kiện chính trị của tỉnh, huyện và địa phương, góp phần từng bước đưa môn nghệ thuật này thấm sâu vào đời sống nhân dân. Nhiều thành viên CLB tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ do tỉnh tổ chức cũng đạt được nhiều thành tích cao. Hoạt động của CLB có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương mỗi cơ sở Hội duy trì ít nhất một hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút hội viên, các cấp Hội đã khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để hỗ trợ thành lập các mô hình thể dục, thể thao theo lứa tuổi, sở thích tại cơ sở. Đến nay, phong trào dân vũ thể thao ở cơ sở phát triển mạnh mẽ; 100% cơ sở Hội đã có ít nhất 1 loại hình CLB văn hóa, thể dục thể thao để phục vụ các hoạt động của Hội và của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.025 CLB dân vũ, thể dục thể thao, thu hút trên 35.000 hội viên, phụ nữ tham gia.

Các hoạt động tập luyện, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, TDTT đã thu hút đông đảo sự tham gia của hội viên, phụ nữ. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng xây dựng văn hóa trong tổ chức Hội; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Mỗi cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đều phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; sâu sát cơ sở, gắn bó với hội viên phụ nữ, gương mẫu, nói đi đôi với làm; rèn luyện phẩm chất đạo đức người cán bộ Hội: Trung thành, vị tha, tận tụy, thủy chung; tiêu chí người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới; thực hiện "Nếp sống văn hóa công sở".

Với những nỗ lực không ngừng của các cấp Hội Phụ nữ và cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của Ninh Bình đang ngày càng được gìn giữ và phát huy. Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, TDTT của hội viên, phụ nữ đã trở thành những điểm sáng trong đời sống văn hóa của địa phương, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, tạo nên nét đẹp riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phu-nu-ninh-binh-tham-gia-gin-giu-phat-huy-ban-sac-van-hoa/d20241016162947424.htm