Phụ nữ Quân đội với nhiều mô hình giàu giá trị nhân văn
Thực hiện các chương trình và những mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, phụ nữ Quân đội (PNQĐ) đã có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, PNQĐ, tỏa sáng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Hiệu quả mô hình “Mẹ đỡ đầu”
“Nhân ngày 8-3, con chúc các mẹ luôn mạnh khỏe, công tác tốt và luôn yêu thương con thật nhiều”, con trai Trương Hữu Thành nhờ chuyển đến các mẹ lời chúc nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, rồi Thiếu tá QNCN Trần Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) Cơ quan Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị phấn khởi thông báo tiếp: "Con vẫn khỏe, kết quả học tập tháng 2 vẫn duy trì tốt, các mẹ yên tâm nhé".
Qua câu chuyện của Thiếu tá QNCN Trần Thị Hà, chúng tôi được biết, mới sinh ra, Trương Hữu Thành đã bị bỏ rơi ở bệnh viện và được một gia đình nhận làm con nuôi. Cứ tưởng như thế là điều may mắn cho Thành, nhưng rồi hàng xóm phát hiện cháu thường xuyên bị bố mẹ nuôi bạo hành. Chính quyền địa phương đã đưa Thành về Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị nuôi dưỡng. Thương hoàn cảnh côi cút của Thành, chị Hà đã bàn với gia đình, thống nhất cùng chị em trong HPN nhận đỡ đầu, chăm sóc Thành. Từ khi có mẹ Hà và các mẹ trong HPN Cơ quan Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị quan tâm chăm sóc, Thành trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, sống cởi mở với những người xung quanh.
Tương tự trường hợp của Thành, bé Nguyễn Bảo Ngọc ở xã Trường Sinh (Sơn Dương, Tuyên Quang) sinh ra không biết mặt cha, 8 tuổi mồ côi mẹ. Tương lai của Ngọc thật mờ mịt khi ông bà ngoại tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh lại chẳng dư dả gì. Và rồi, điều may mắn đã làm thay đổi cuộc đời cô bé khi tìm được sự bình yên, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của Thượng úy QNCN Hoàng Thị Liên Phương, dược sĩ Đại đội 24, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2. Sau những tháng ngày tủi hờn, khó nhọc của số phận, Ngọc giờ đã có được mái ấm trọn vẹn và sống đúng với lứa tuổi của mình.
Thành và Ngọc chỉ là hai trong hàng trăm mảnh đời bất hạnh tìm được sự yêu thương, ấm áp bởi những người mẹ nuôi Bộ đội Cụ Hồ. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban PNQĐ cho biết: "Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các tổ chức HPN trong toàn quân đã cụ thể hóa bằng nhiều mô hình, cách làm hết sức linh hoạt, sáng tạo. Theo đó, nhiều em nhỏ có số phận không may mắn trong cuộc sống được HPN ở các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, chăm sóc. Không những thế, trực tiếp nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đứng ra nhận nuôi dưỡng các em đến khi trưởng thành. Từ sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên HPN trong toàn quân, tính đến nay, PNQĐ đã nhận nuôi, đỡ đầu, hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho 751 trẻ em mồ côi (trong đó đã nhận nuôi, đỡ đầu 381 em đến khi đủ 18 tuổi); trao tặng 311 sổ tiết kiệm, 2.645 suất quà, 388 suất học bổng, 377 xe đạp; hỗ trợ cơ sở vật chất và dạy kỹ năng sống hằng ngày cho một trung tâm bảo trợ trẻ em trên địa bàn Quân khu 4; xây nhà “Mái ấm tình thương” tặng trẻ em mồ côi trên địa bàn Quân khu 7... với tổng số tiền cho chương trình hơn 7,3 tỷ đồng.
Sâu lắng các hoạt động hướng về cộng đồng
Tham gia cùng đoàn công tác thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang dịp cuối năm 2023, chúng tôi nhớ mãi nụ cười rạng rỡ trên gương mặt khắc khổ của chị Vàng Thị Mịa, thôn Đông Chè, xã Nàn Xỉn trong buổi bàn giao nhà “Mái ấm tình thương”. Ngày hôm đó, chị Mịa nhắc đi nhắc lại: "Mình nghèo, không có tiền làm nhà, may được các chị bộ đội giúp đỡ nên mẹ con mình giờ đã có ngôi nhà chắc chắn để ở".
Niềm vui của chị Mịa cũng là niềm vui của các thành viên có mặt hôm đó. Cùng với hiệu quả của mô hình “Mẹ đỡ đầu”, những năm qua, cán bộ, hội viên HPN trong toàn quân có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến những gia đình chính sách, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em học sinh trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo... Nhiều chương trình, mô hình do các cấp HPN được triển khai hiệu quả, như: “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh”, “Nuôi lợn đất tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo biên cương”, “Nuôi dê gây quỹ”, “Chăn nuôi bò giống hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số”, “Tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”, “Mái ấm tình thương”, “Vì trẻ em nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, “Chắp cánh ước mơ cho em”, “Bát cháo nghĩa tình”, “Tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”...
Theo đó, hàng trăm con giống, hàng nghìn cây trồng được trao tặng những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương trên cả nước; hàng nghìn suất học bổng cùng nhiều phần quà có giá trị được trao đến các em nhỏ nơi vùng sâu, vùng xa. Chỉ tính riêng năm 2023, triển khai thực hiện Chương trình “PNQĐ đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại các xã vùng biên trên cả nước, PNQĐ đã bàn giao 12 nhà “Mái ấm tình thương”, trao gần 2.400 suất quà tặng gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh cho 2.160 lượt người, cấp thuốc miễn phí cho 942 người dân tộc thiểu số; vận chuyển 1.200m3 nước sạch cho bà con dân tộc khu vực Tây Nguyên... với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Kết quả các chương trình, mô hình hoạt động của PNQĐ hướng đến cộng đồng, xã hội là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên PNQĐ tích cực hưởng ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh kế-xã hội. PNQĐ đã và đang phát huy tốt truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ”.
VÂN ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.